|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự trữ than có lúc chỉ đủ 4 ngày, Ấn Độ có thể tái hiện cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc

07:18 | 07/10/2021
Chia sẻ
Nguồn cung than của Ấn Độ ngày càng bị siết chặt, có nguy cơ gây ra một cú sốc thiếu điện tương tự cuộc khủng hoảng đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc hiện tại.

Tại thời điểm cuối tháng 9, dự trữ than của các nhà máy phát điện tại Ấn Độ trung bình còn đủ dùng cho 4 ngày. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua và giảm đáng kể so với con số 13 ngày ghi nhận vào đầu tháng 8. Đặc biệt, hơn một nửa số nhà máy có nguy cơ gián đoạn hoạt động.

Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, tồn kho than đá của các cơ sở phát điện đã giảm xuống còn khoảng 8,1 triệu tấn vào cuối tháng trước, sụt hơn 76% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi dự trữ than lao dốc thì giá điện giao ngay trung bình trong tháng 9 lại tăng hơn 63% lên khoảng 4,4 rupee (tương đương 0,06 USD)/kWh.

Bloomberg cho biết, than đá hiện chiếm gần 70% cơ cấu sản lượng điện tại đất nước Nam Á. Khi nguồn cung than trở nên khan hiếm, chính quyền các địa phương đã ưu tiên vận chuyển nguồn nhiên liệu hóa thạch này đến các nhà máy phát điện.

Do đó, các ngành công nghiệp nặng như luyện nhôm và luyện thép - vốn cũng là những lĩnh vực tiêu thụ than đá hàng đầu, phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số công ty sản xuất nhôm đã lên tiếng phàn nàn sau khi Coal India - công ty than nhà nước tại Ấn Độ, ưu tiên giao hàng cho các nhà máy phát điện.

Dự trữ than có lúc chỉ đủ 4 ngày, Ấn Độ có thể tái hiện cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc - Ảnh 1.

Do mưa lớn kéo dài gây ngập lụt các mỏ khai thác than, nguồn cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện hiện đang thiếu hụt từ 60.000 đến 80.000 tấn/ngày, ông Anil Kumar Jain - người đứng đầu cơ quan quản lý than của Ấn Độ, cho hay.

Những trận mưa như trút nước và khá bất thường vào tháng trước ở Dhanbad, một trung tâm khai thác khoáng sản lớn ở miền đông Ấn Độ, đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, vị bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông Jain, vào tuần thứ hai của tháng 10, Coal India có thể tăng nguồn cung để bù đắp tình trạng thâm hụt tại các nhà máy phát điện trên khắp cả nước, mặc dù mục tiêu này còn phụ thuộc vào thời tiết.

Tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với hai thách thức chính: nhu cầu điện tăng cao khi hoạt động công nghiệp phục hồi hậu đại dịch COVID-19 và sản lượng than địa phương sụt giảm đáng kể. Khoảng 75% nguồn cung than của Ấn Độ đến từ trong nước, song mưa lớn đã làm ngập các mỏ và gây cản trở hoạt động giao thông vận chuyển.

Ban điều hành của các nhà máy phát điện đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: phải trả giá cao để gom nguồn than đá trong nước hoặc chen chân mua hàng trên thị trường quốc tế giữa lúc giá than vừa tăng lên mức kỷ lục.

"Cho đến khi nguồn cung hoàn toàn ổn định, chúng ta có thể gặp tình trạng mất điện ở một số nơi, trong khi khách hàng ở các địa phương khác có thể phải trả nhiều tiền hơn cho hóa đơn tiền điện", ông Pranav Master - Giám đốc phụ trách mảng tư vấn cơ sở hạ tầng tại công ty xếp hạng tín nhiệm Crisil cảnh báo.

"Do giá than nhập khẩu tăng cao đột biến, các nhà máy chạy bằng nguồn than trong nước đang phải gồng gánh rất nhiều. Mọi thứ có thể tốt lên khi mưa giảm bớt", ông Master lưu ý thêm.

Giá tiền điện nhảy vọt nhiều khả năng có thể gây hại đến tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Ấn Độ. Theo một khảo sát của Bloomberg, nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng 9,4% trong năm tài khóa 2021, là tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay còn là một lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của than đá đối với nền kinh tế Ấn Độ, ngay cả khi Thủ tướng Narendra Modi đã đặt mục tiêu tăng mạnh điện tái tạo trong nguồn cung điện nói chung và nhiều tỷ phú trong nước đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án xanh.

Mức tiêu thụ than đá trên toàn thế giới được cho là sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới và Ấn Độ, một trong những nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, vẫn chưa đề ra mục tiêu trung hòa carbon nào.

Khả Nhân