|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Để cú sốc thiếu điện không tái diễn, Trung Quốc có thể làm những gì?

20:08 | 03/10/2021
Chia sẻ
Để cuộc khủng hoảng thiếu điện không tái hiện, Trung Quốc có thể sẽ phải định hình lại hệ thống lưới điện và thị trường điện trong nước, đồng thời xây dựng kho dự trữ nhiên liệu và bổ sung thêm các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu chung.
Để cú sốc thiếu điện không tái diễn, Trung Quốc có thể làm những gì? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Cuộc khủng hoảng thiếu điện đang diễn ra tại Trung Quốc đã nêu bật lên những điểm yếu trong chính sách an ninh năng lượng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Để tránh lặp lại tình cảnh hỗn loạn này, Bắc Kinh có thể sẽ phải định hình lại hệ thống lưới điện và thị trường điện trong nước, đồng thời xây dựng kho dự trữ nhiên liệu và bổ sung thêm các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu chung.

Ông Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nhận định: "Đây là toàn bộ những phương án khả thi cho Trung Quốc. Chính quyền ông Tập sẽ có động lực lớn để hành động khi cuộc khủng hoảng năng lượng lắng xuống".

Bloomberg đã tổng hợp một số lựa chọn chính sách mà Bắc Kinh có thể nghiên cứu trong thời gian tới.

Giải phóng thị trường điện

Một nguyên nhân dẫn đến sự cố năm nay là các nhà máy phát điện phải đóng cửa vì thua lỗ nặng khi giá than đá quá đắt đỏ, trong khi giá điện bán ra lại bị chính phủ quản lý nghiêm ngặt.

Hệ thống giá điện hiện tại của Trung Quốc chỉ mới được áp dụng từ năm 2019, sau khi Bắc Kinh thay thế các tiêu chuẩn giá điện cố định bằng một mô hình hỗn hợp và linh hoạt hơn. Dù vậy, hệ thống này vẫn chưa hiệu quả bằng giá điện thả nổi áp dụng ở châu Âu hay tại Mỹ.

Để cú sốc thiếu điện không tái diễn, Trung Quốc có thể làm những gì? - Ảnh 2.

Tỉnh Hồ Nam đang có kế hoạch thử nghiệm hệ thống điều chỉnh giá điện gắn với giá than từ tháng 10 này. Còn tỉnh Quảng Đông đã tăng biểu giá điện để khuyến khích các nhà máy phát điện bổ sung sản lượng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang cân nhắc tăng giá bán điện đối với lĩnh vực công nghiệp. Song, có một trở ngại lớn là đề xuất này có thể gây ảnh hưởng đến người dùng đầu cuối, bao gồm các nhà sản xuất công nghiệp.

"Nếu Trung Quốc giải phóng thị trường điện, cả nước có thể có đủ điện để tiêu dùng, nhưng chi phí tăng cao cũng có thể gây hại cho nền kinh tế địa phương", nhà nghiên cứu Kou Nannan của BloombergNEF cho hay.

Liên kết lưới điện

Theo Bloomberg, liên kết lưới điện ở nhiều khu vực khác nhau có thể làm giảm bớt tình trạng thiếu điện cục bộ.

Hai tập đoàn điện lực hàng đầu của Trung Quốc là State Grid Corp. và China Southern Grid Corp. đã nhanh chóng xây dựng các đường dây tải điện kéo dài trên khắp đất nước. Song, hai ông lớn này vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Ông Daivid Fishman, một nhà quản lý tại công ty tư vấn năng lượng The Lantau Group, cho biết hiện lưới điện của Trung Quốc đang bị đứt đoạn khá nghiêm trọng, cả về mặt vật lý lẫn cách thức phối hợp giữa các khu vực khác nhau trên cả nước hoặc thậm chí là trong cùng một tỉnh. Hơn nữa, tại Trung Quốc cũng không phổ biến hoạt động mua bán điện liên tỉnh.

Ông Fishman nói: "Đó là lý do tại sao đôi khi đầu này của Trung Quốc dư dả điện, trong khi một khu vực khác lại bị thiếu hụt. Lưới điện càng liên kết thì bạn càng có thể dễ dàng phân bổ nguồn cung điện. Do đó, Trung Quốc có thể nghiên cứu đầu tư thêm các đường dây tải điện siêu cao áp cũng như những đường dây diện khác ngay tại địa phương".

Tăng cường năng lượng tái tạo

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu còn phơi bày cạm bẫy khi một số nước cố gắng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch dù các dự án năng lượng tái tạo chưa thực sự hoàn thiện. Ở Trung Quốc, chính phủ "có thể sẽ thận trọng hơn một chút về việc ngừng tiêu thụ than đá", ông Kou của BloombergNEF nhấn mạnh.

Để cú sốc thiếu điện không tái diễn, Trung Quốc có thể làm những gì? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, giữa lúc Trung Quốc phải chật vật cạnh tranh mua than đá và khí đốt cùng với Ấn Độ và châu Âu, cú sốc hiện tại lại cho thấy những lợi ích an ninh của điện gió, điện mặt trời và thủy điện.

Để bổ sung một lượng lớn năng lượng sạch vào lưới điện chung, Trung Quốc có thể cần phải đầu tư mạnh tay vào các kho lưu trữ linh hoạt như trạm thủy điện tích năng (pumped hydro storage) hay các pin lưu trữ quy mô lớn để kiểm soát sản lượng lên xuống thất thường của điện tái tạo.

"Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác đã bộc lộ không ít điểm yếu khi giá nhiên liệu hóa thạch biến động. Điều này càng chứng minh vai trò cần thiết của các nguồn năng lượng tái tạo", nhà phân tích Lauri Myllyvirta của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch cho hay.

Tích trữ thêm than

Ông Fishman của The Lantau Group cho biết, ngay cả khi Trung Quốc đẩy mạnh năng lượng tái tạo, than đá vẫn chưa thể sớm biến mất. Cuộc khủng hoảng thiếu điện trong tháng 9 đã cho thấy những rủi ro nghiêm trọng trong quy trình quản lý nguồn cung và kho dự trữ than của Trung Quốc.

Lượng tồn kho của các nhà máy điện đang ở mức cực kỳ thấp trong bối cảnh giá nhảy vọt trước cả khi mùa đông thực sự đến gần, ông Fishman lưu ý.

Để cú sốc thiếu điện không tái diễn, Trung Quốc có thể làm những gì? - Ảnh 4.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt than đá, Bắc Kinh có thể áp dụng công thức từng thành công với kho dự trữ dầu thô. Theo đó, họ có thể xây dựng và lấp đầy các kho chứa than thuộc sở hữu của nhà nước trên toàn quốc.

Biện pháp trên không chỉ là cứu cánh cho những thời điểm cần kíp trong tương lai, mà còn có thể hỗ trợ các công ty khai khoáng trong thời kỳ nhu cầu xuống thấp.

Trên thực tế, chính quyền ông Tập đã và đang tiến hành kế hoạch tương tự. Sau khi trải qua một mùa đông thiếu điện vào năm ngoái, kế hoạch kinh tế 5 năm từ 2021 đến 2025 của Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng cường dự trữ than quốc gia. Và vào tháng 6, chính phủ còn đặt mục tiêu nâng kho dự trữ lên 600 triệu tấn, tương đương khoảng 15% lượng tiêu thụ hàng năm.

Khả Nhân