Tính thuế kiểu mới, hết thời ô tô giảm giá mạnh
Hai kịch bản mới về thuế đặc biệt với ô tô | |
Diễn biến mới, ô tô năm 2018 hết đường giảm giá |
Không muốn thêm ưu đãi
Việc Bộ Tài chính cho rằng, phương án không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống sản xuất lắp ráp trong nước do Bộ Công Thương đề xuất là chưa phù hợp với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) là thông tin không vui với các DN ô tô, đang đầu tư lớn cho sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay.
Bởi, nếu được thực hiện theo phương án mà Bộ Công Thương đề xuất, DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước có nhiều lợi thế để cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Chẳng hạn, với ô tô có dung tích 2.0L hiện có thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 40%. Nếu một DN nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối, với giá 10.000 USD/chiếc thì thuế tiêu thụ đặc biệt phải chịu là 4.000 USD. Nhưng một DN ô tô nhập bộ linh kiện về Việt Nam lắp ráp, chỉ có giá trị 8.000 USD, thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 3.200 USD.
Chính sách mới, doanh nghiệp ôtô lo phá sản |
Hơn thế, nếu các DN tăng mua linh kiện trong nước, giảm nhập khẩu, tức là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thì càng hưởng lợi. Chẳng hạn, một DN chỉ nhập 50% giá trị bộ linh kiện là 4.000 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 1.600 USD.
Cách tính thuế này đã được nhiều nước áp dụng từ lâu để khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất, tìm mua linh kiện trong nước, qua đó thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô phát triển.
Nếu đề xuất này được chấp nhận và áp dụng từ 2019, cộng với thuế suất thuế nhập khẩu bộ linh kiện giảm về mức 0%, thì ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có nhiều lợi thế. Theo tính toán, một chiếc xe lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa 20%, có giá bán 600 triệu đồng, mức giảm giá tương ứng từ 10-12%. Nhưng nếu tỷ lệ nội địa hóa là 40% thì mức giảm giá lên tới 15-20%. Như vậy, sẽ giúp xe sản xuất lắp ráp trong nước cạnh tranh tốt với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Còn thực hiện theo đề xuất của Bộ Tài chính, tức là không ưu đãi thuế TTĐB cho sản xuất lắp ráp trong nước, sẽ không khuyến khích các DN tìm mua linh kiện trong nước. Như vậy công nghiệp hỗ trợ sẽ không có cơ hội phát triển.
Dừng lại ở lắp ráp
Hiện nay, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô từ ASEAN về Việt Nam đã giảm còn 0% với những linh kiện có tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% trở lên. Một số DN FDI có thể nhập khẩu hầu hết bộ linh kiện từ ASEAN về với thuế suất 0%. Có DN cho biết, họ nhập 1 bộ linh kiện ô tô dung tích xi lanh 2.0L về Việt Nam chỉ phải nộp thuế 200 USD. Vì vậy, mua ngoài hiện tại với nhiều DN dễ dàng hơn và rẻ hơn tìm mua trong nước.
Không những thế, mới đây, Chính phủ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện ô tô về 0% cho các DN đạt điều kiện về quy mô và sản lượng. Việc này phần nào đã ảnh hưởng tới thu hút đầu tư vào sản xuất linh kiện. Bởi, nhập linh kiện không phải chịu thuế thì đầu tư vào sản xuất trong nước, nếu không có lợi thế hơn thì chẳng DN nào muốn làm.
Người tiêu dùng Việt Nam khó có cơ hội được mua xe giá rẻ. |
Thị trường ô tô Việt Nam vốn có sản lượng thấp, trong khi đầu tư cho sản xuất linh kiện, nhất là những linh kiện có hàm lượng công nghệ cao, đòi hỏi vốn ban đầu lớn. Không những thế, nguồn nhân lực của Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Đầu tư vào sản xuất linh kiện, phải bắt đầu từ đào tạo nhân lực, vì vậy càng thêm tốn kém.
Vốn đầu tư lớn, trong khi sản lượng ban đầu thấp, giá thành chắc chắn sẽ cao, khó cạnh tranh với linh kiện nhập khẩu, được hưởng thế suất 0%. Như vậy, chỉ có cách khuyến khích các DN ô tô mua linh kiện tại chỗ mới hy vọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Nếu không khuyến khích các DN ô tô mua linh kiện trong nước, công nghiệp ô tô Việt Nam chắc chắn chỉ dừng lại ở lắp ráp, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết.
Hơn nữa, theo ông Huyên, chúng ta đang đánh thuế TTĐB dựa trên giá bán xe. Chính sách này kéo dài đã nhiều năm không khuyến khích các DN đầu tư đẩy mạnh sản xuất linh kiện trong nước. Đặc biệt, với các địa phương, điều này khiến họ chỉ ưu đãi cho DN lắp ráp ô tô, không quan tâm tới phát triển sản xuất linh kiện. Bởi lắp ráp ra xe bán, thuế TTĐB cao thì họ thu được nhiều.
Một số DN tiết lộ đã xây dựng kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% và tiến tới nâng lên 60%, tức là sẽ có chế tạo động cơ ở trong nước. Nếu không có những ưu đãi đủ lớn để khuyến khích DN đầu tư thì không ai muốn làm.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công, cho hay, nếu không ưu đãi thuế TTĐB cho sản xuất lắp ráp trong nước, có thể dẫn đến phá sản kế hoạch đầu tư của các DN ô tô hiện nay. Thị trường ô tô Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi đầu tư cho dây chuyền sản xuất khung vỏ và một số linh kiện khác, để đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, chi phí ban đầu khá cao. Điều này khiến cho xe sản xuất ra có giá thành cao, không thể cạnh tranh với xe nhập khẩu. Vì vậy, rủi ro sẽ rất lớn.
“Tôi nghĩ, ưu đãi có thời hạn với các sản phẩm công nghiệp trọng điểm không bị coi là vi phạm cam kết hội nhập. Các nước khác trong khu vực cũng đang làm như vậy và họ cũng là thành viên của WTO. Cần tham khảo từ các quốc gia trong khu vực về vấn đề này”, ông Đức nói.
Theo các DN, nếu không có ưu đãi về thuế TTĐB, để duy trì sản xuất trong nước, chỉ còn giải pháp ngăn chặn xe nhập khẩu giá rẻ hiệu quả. Tức là không cho xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN có thuế suất 0% tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, liệu có thực hiện được điều này? Hiện xe nhập khẩu hưởng thuế suất 0% chưa vào được Việt Nam vì vướng giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền từ nước xuất khẩu xe cấp. Nếu thời gian tới, các DN lo xong thủ tục này và nhập xe về sẽ đặt các DN ô tô đang đầu tư lớn cho sản xuất lắp ráp trong nước trước rủi ro lớn.
Không được ưu đãi thuế TTĐB, giá xe của các DN trong nước sẽ không thể giảm mạnh so với hiện nay. Người tiêu dùng cũng không có cơ hội được mua xe giá rẻ.