|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tin tức Thời sự 12/7: Đà Nẵng thương lượng để lấy lại sân vận động Chi Lăng, nếu Samsung sang Mỹ đầu tư sẽ là tổn thất lớn cho VN

19:00 | 12/07/2018
Chia sẻ
Tin tức Thời sự ngày 12/7 nổi bật với các thông tin: Đà Nẵng sẽ thương lượng để lấy lại sân vận động Chi Lăng đã bán cho tập đoàn của ông Phạm Công Danh, hàng loạt dự án điện bị dừng triển khai, nếu Samsung sang Mỹ đầu tư sẽ là tạo lỗ hổng lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam...

1. Đà Nẵng sẽ thương lượng để lấy lại sân vận động đã bán cho tập đoàn của ông Phạm Công Danh

Trưa 12/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, chính quyền TP Đà Nẵng sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Tòa án và các cơ quan liên quan để thương lượng, lấy lại sân vận động Chi Lăng đã bán cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Việc lấy lại sân vận động này phục vụ việc phát triển văn hóa, xã hội và nhu cầu khác của TP Đà Nẵng.

Sân vận động Chi Lăng nằm ngay trung tâm TP Đà Nẵng, trong khu đất vàng hơn 55 ha với 4 mặt tiền Lê Duẩn – Ngô Gia Tự – Hùng Vương – Chi Lăng...

2. Hàng loạt dự án điện bị dừng triển khai

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2030, có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành, chưa bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo chưa ghi rõ tên hoặc chưa lập dự án. Trong đó, 43 dự án thủy điện, 57 dự án nhiệt điện, 11 dự án năng lượng tái tạo, 3 dự án thủy điện tích năng và 2 dự án điện hạt nhân.

Sau 2 năm thực hiện, Quốc hội đã thông qua chủ trương dừng thực hiện dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600 MW). Hai nhà máy nhiệt điện khác là nhiệt điện Bạc Liêu (1.200 MW) và nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440 MW) cũng phải dừng triển khai. Ngoài ra, dự án điên Vũng Áng 3 (2.400 MW) cũng có thể phải dừng thực hiện theo đề nghị của các địa phương.

Thay vào đó, dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (công suất mỗi nhà máy 750 - 800 MW) sẽ được bổ sung. Tiến độ đưa vào vận hành hai nhà máy này là năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó, công suất nhiệt điện An Khánh được điều chỉnh tăng từ 100 MW lên 650 MW...

3. TS Phạm Sỹ Thành: Nếu Samsung sang Mỹ đầu tư sẽ tạo lỗ hổng lớn cho tăng trưởng kinh tế VN

Theo TS Phạm Sỹ Thành, giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Đại học Quốc gia Hà Nội, chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới sự thay đổi chuỗi sản xuất toàn cầu. Chỉ cần chính sách của một nước lớn thay đổi, các tập đoàn cũng sẽ thay đổi theo để thích ứng. Chẳng hạn như tập đoàn gia công iPhone lớn nhất cho Apple tại Đài Loan là Foxcom đã chuyển hướng đầu tư hàng tỷ USD sang Mỹ - một làn sóng đầu tư ngược.

Tại Việt Nam, kịch bản Samsung chuyển sang đầu tư ở Mỹ cũng sẽ là một tổn thất lớn, ông Thành nhận định. Theo đó, nhân công của Samsung tại Việt Nam là 100.000 người, chiếm tới 1/3 tổng nhân công của tập đoàn này trên toàn cầu. Sản lượng tại Việt Nam cũng chiếm tới 50% tổng sản lượng của Samsung, đóng góp rất lớn cho xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ lại đưa sắc lệnh các công ty nước ngoài lớn trong đó có Samsung phải đầu tư tại quốc gia này mới được hưởng ưu đãi thuế.

“Trong trường hợp Samsung chuyển sang Mỹ, điều này sẽ tạo lỗ hổng lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, TS Thành nói.

4. Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu

Sáng 12/7, phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.

Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa biểu quyết thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu, than đá...

Lý do được đưa ra là còn nhiều ý kiến còn khác nhau quanh việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay.

"Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng này có thể chúng ta sẽ có thêm vài nhìn tỷ đồng, nhưng chưa biết diễn biến tình hình thế nào... Lắng nghe các thảo luận, tôi biết vẫn còn nhiều ý kiến lăn tăn. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta thảo luận nhưng chưa biểu quyết thông qua", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Trước ý kiến của bà Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không biểu quyết và dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, và tiếp tục thảo luận ở phiên họp thứ 26 vào tháng 8.

5. Trung Quốc sẽ đáp trả Mỹ bằng hàng loạt biện pháp phi thuế quan

Lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tiếp tục áp thuế quan lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trả đũa với hàng loạt rào cản phi thuế quan. Theo Bloomberg, vì Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Mỹ, nên khả năng đánh thuế lên giá trị hàng hóa tương đương sẽ bị hạn chế. Mỹ nhập khẩu 505 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Trung Quốc trong năm ngoái.

Trong khi Trung Quốc có thể tăng thuế quan hiện tại hơn mức 25%, họ cũng có thể gây ra những thiệt hại đáng kể bằng cách gia tăng quy định kiểm soát các công ty Mỹ, làm chậm quá trình phê duyệt, hủy bỏ đơn đặt hàng từ Mỹ hoặc khuyến khích tẩy chay tiêu dùng.

Các công ty lớn của Mỹ gồm Walmart và General Motor đang hoạt động quy mô lớn tại Trung Quốc và đã lên kế hoạch mở rộng sản xuất, có nguy cơ phải dừng lại vì căng thẳng giữa hai nước leo thang...

Xem thêm

Khánh Hà