Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu
Thuế môi trường với xăng dầu có thể tăng kịch khung từ tháng 10 | |
Các bộ đồng loạt cảnh báo Bộ Tài chính tăng thuế môi trường xăng dầu |
Sáng 12/7, phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Tiếp tục thảo luận ở kỳ họp tháng 8
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa biểu quyết thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu, than đá...
Lý do được đưa ra là còn nhiều ý kiến còn khác nhau quanh việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, sẽ tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay.
"Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng này có thể chúng ta sẽ có thêm vài nhìn tỷ đồng, nhưng chưa biết diễn biến tình hình thế nào... Lắng nghe các thảo luận, tôi biết vẫn còn nhiều ý kiến lăn tăn. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta thảo luận nhưng chưa biểu quyết thông qua", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Trước ý kiến của bà Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không biểu quyết và dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, và tiếp tục thảo luận ở phiên họp thứ 26 vào tháng 8.
Lo ảnh hưởng đến lạm phát
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết này. Theo ông Dũng, các nghiên cứu cho thấy các hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá...trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Theo tính toán của các nhà khoa học để trả lại môi trường, mức thuế của các hàng hóa này phải cao hơn rất nhiều.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Ảnh: Hiếu Công. |
Dầu mazut, dầu nhờn đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; dầu hỏa đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nylon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng.
Với mức điều chỉnh như dự thảo Nghị quyết, số thu thuế dự kiến đối với xăng dầu là khoảng hơn 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng gần 14.400 tỷ đồng/năm.
"Việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với các loại hàng hóa theo đề xuất nêu trên là đảm bảo trong khung thuế và phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường theo luật", ông Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Ông cũng cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường như: Xăng E5, xăng E10, dầu diesel B5, dầu diesel B10, túi nylon thân thiện với môi trường....
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị thực hiện Nghị quyết từ 1/10 nếu được thông qua.
Trình bày thẩm tra dự thảo nghị quyết, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hộ, cho hay đa số ý kiến trong ủy ban nhất trí với tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% cho cả năm 2018. Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, việc tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng cần cân nhắc. Đối với mặt hàng dầu mazut, có ý kiến đề nghị tăng thuế suất đối với dầu mazut ở mức thấp hơn.
Xem thêm |