Chủ tịch Quốc hội: Thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nay đến cuối năm
Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra chiều 12/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà đã phát biểu giải trình một số vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ.
Theo Phó Thống đốc, bối cảnh trong hai năm vừa qua khác biệt so với thời gian trước đó, năm 2022 các quốc gia trên thế giới phải đối tập trung chống lạm phát, các ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ và thu tiền về. Lạm phát trong nước cũng bị ảnh hưởng, tăng liên tục trong các tháng cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, Mỹ và các nước tăng lãi suất khiến USD và các đồng tiền chủ chốt lên giá gây sức ép đến tỷ giá. Năm 2023, quốc tế tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tiếp tục tăng lãi suất… Vì vậy, NHNN phải xử lý hài hòa mối quan hệ tiền tệ trong nước, trong đó trong mọi tình huống phải giữ ổn định và đảm bảo thanh khoản; về cơ bản thanh khoản được giữ kể cả sự cố của ngân hàng SCB.
Về lãi suất, năm 2022, giữ lãi suất ổn định trong 9 tháng nhưng cuối tháng 9 và tháng 10 buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và chịu ảnh hưởng của áp lực tỷ giá để giữ thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đầu năm 2023, khi lạm phát giảm dần và ngưng lại, NHNN đã tranh thủ điều kiện thuận lợi đó và giảm lãi suất từ tháng 3 và đến tháng 5 đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành và mặt bằng lãi suất thị trường cũng theo đó giảm theo; lãi suất thị trường đã giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái; đặc biệt lãi suất cho vay ưu tiên giảm còn 4%, so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 43 đã đạt được, Phó Thống đốc cho biết.
Vấn đề thứ ba trong điều hành đó là tín dụng, NHNN cố gắng điều hành phù hợp với khả năng hấp thụ vốn cũng như nhu cầu của nền kinh tế. Kết thúc 3 quý, tăng trưởng khoảng 4,2% GDP, tín dụng chỉ tăng có 6,92%.
"Chúng tôi đánh giá tín dụng năm 2023 khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp nên đã rất nhiều biện pháp đề ra như: đối với dư nợ cũ đã ban hành Thông tư 02 cho phép đến hạn mà khách hàng chưa trả được nợ cho phép cơ cấu lại nợ và tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ", Phó Thống đốc nói.
Với dư nợ mới, Ngân hàng nước cũng đã ban hành Thông tư 06 cho phép cho vay trên môi trường điện tử và một số các điều kiện khác như cho vay để trả nợ ngân hàng khác hay cho vay để trả nợ phần trả chậm hàng hóa nước ngoài để thúc đẩy tín dụng mới,…
Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đến hết năm nay
Tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt thấp, trong đó, đa số các doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%, đề nghị NHNN trao đổi thêm.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho biết thực tế tại Hậu Giang triển khai rất tốt nội dung này và có kiến nghị tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách này.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai chính sách này từ nay đến cuối năm. Trường hợp việc thực hiện quá khó khăn thì nhất trí không làm nữa.
Về kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng để vừa thúc đẩy việc giải ngân thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội thì nên chăng tính thêm phương án cho kéo dài đến hết 2024 và tại kỳ họp cuối năm Quốc hội sẽ cho ý kiến tiếp.