Thấy gì từ 'nghịch lý' gói hỗ trợ lãi suất 2%: DN muốn vay không được, ngân hàng muốn giải ngân cũng không xong
Tiếp cận tín dụng hiện vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, những gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra vẫn có tình trạng "nghịch lý": Doanh nghiệp muốn vay nhưng không được, ngân hàng muốn giải ngân cũng không xong.
Lượng doanh nghiệp biết đến gói hỗ trợ lãi suất 2% rất lớn, song lại chỉ một con số rất ít doanh nghiệp tiếp cận được gói này khiến cụm từ "lên TV mà vay" được truyền tai nhau một cách phổ biến.
Nghịch lý "lên TV mà vay"
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Trước khó khăn của doanh nghiệp, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho doanh nghiệp là gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19 với quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số giải ngân của gói lại thấp đến đáng kinh ngạc, khi tính đến cuối tháng 12/2022, số tiền lãi đã hỗ trợ mới đạt khoảng 135 tỷ đồng cho hơn 1700 khách hàng.
Vậy từ đâu một chính sách hỗ trợ được đưa ra kịp thời, đúng lúc với mục tiêu giải ngân để hỗ trợ doanh nghiệp lại trở thành một "rào cản" trong môi trường kinh doanh, tạo tâm lý hoang mang, nghi ngờ khi biết đến nhưng không thể tiếp cận được.
Theo điều tra của VCCI, có tới 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này song chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Đáng lưu ý, có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này.
"Khó đáp ứng điều kiện cho vay" là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và các ngân hàng thương mại, tiêu chí “có khả năng phục hồi” chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi.” Lý do là để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực.
Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng e ngại phải tuân thủ các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán sau khi tiếp nhận hỗ trợ.
Đưa ra tiêu chí nhưng cả hai bên đều "khó để xác định"
Phát biểu tại cuộc họp Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ sáng 13/4, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho rằng, tiêu chí cứng "có khả năng phục hồi" là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi nhưng cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" cho nên rất khó thực hiện.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân, do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi,…. Sau hai năm thực hiện, tổng giải ngân mới được 330/40.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại là giải pháp thông minh, sáng tạo. Nếu thực hiện thành công, nguồn tiền sẽ nhanh tới doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, đây là tiền ngân sách, đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ. Tiêu chí điều kiện "doanh nghiệp có khả năng phục hồi" rất trừu tượng, khó đánh giá, nên quá trình triển khai đã nảy sinh vướng mắc.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại để "giải ngân tối đa có thể" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nếu chuyển sang sử dụng cho chính sách khác thì phải làm rõ chính sách gì để đề xuất phương án cụ thể.
Doanh nghiệp vay tín dụng đen vì khó tiếp cận doanh nghiệp
Một chính sách đưa ra nhưng không thể đạt hiệu quả mong muốn, trong khi ngân hàng thương mại muốn cho vay thì gặp cản trợ từ các quy định "trừu tượng" gây vướng mắc thì doanh nghiệp, đối tượng được hưởng ưu đãi lại đang phải tiếp cận với nguồn tín dụng đen để duy trì sự sống còn.
Với các trường hợp không thể vay vốn được từ các ngân hàng, các doanh nghiệp vẫn phải xoay sở từ các nguồn khác để có vốn kinh doanh. Năm 2022, 75,5% doanh nghiệp vay mượn từ người thân, bạn bè, tăng đáng kể so với con số 51% từng ghi nhận trong Báo cáo PCI 2021. Có 24,3% doanh nghiệp tìm tới các nguồn khác như huy động từ cổ đông, vay từ doanh nghiệp khác hoặc cầm cố, bán tài sản của doanh nghiệp.
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức tín dụng khác (như công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân) là 21%. Khoảng 10,9% doanh nghiệp vay cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức trong năm 2022. Đáng lo ngại hơn cả, có tới 12,5% doanh nghiệp đã phải xoay sang vay “tín dụng đen” (tăng mạnh so với con số 4% của năm 2021).
Đương nhiên, lãi suất khoản vay “tín dụng đen” là rất cao. Khảo sát PCI ghi nhận lãi suất trung bình các khoản tín dụng đen là khoảng 46,5%/năm, cao gấp khoảng 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng.
Lỡ nhịp phục hồi doanh nghiệp, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để khôi phục lại nền kinh tế. "Khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản vì môi trường lãi suất quá cao thì hệ luỵ của nó là rất lớn", TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM thẳng thắng chỉ ra.
Để phục hồi nền kinh tế sau giai đoạn đó sẽ tốn một thời gian và nguồn lực rất lớn. Và nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng này thì Việt Nam có thể rơi vào vòng xoáy tăng trưởng chậm trong một thời gian dài.
"Cỗ xe đang chạy tốt đột nhiên thắng lại nên khi muốn chạy tiếp buộc phải tạo đà. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là cứu các doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.”, ông Huân nhìn nhận.