|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đề xuất TCTD tự xử lý trong giai đoạn can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt khi lỗ lũy kế trên 100% vốn

16:35 | 23/11/2023
Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất điều chỉnh Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng để các tổ chức này tự thân xử lý trong giai đoạn can thiệp sớm, tránh ảnh hưởng đến hệ thống và sẽ đặt vào diện kiểm soát đặc biệt khi lỗ lũy kế trên 100% vốn điều lệ.

Chiều ngày 23/11, tại Kỳ họp thứ 6, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Luật các tổ chức tín dụng - TCTD (sửa đổi).

Ông Thanh cho biết sau khi chỉnh lý, Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 15 chương, 203 điều, tăng 2 chương và 8 điều, trong đó chỉnh lý 158 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. 

Trong đó đã bổ sung một chương về ngân hàng chính sách với 11 điều, chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng (TCTD), nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí, bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. 

Về quy định hạn chế thao túng đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5)  và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động. 

Đối với dự phòng rủi ro, dự thảo được sửa đổi theo hướng để Chính phủ quyết định các quy định phân loại tài sản có, mức trích lập rủi ro, phương pháp trích lập rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro …  thay vì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Ngoài ra, chỉnh lý một số quy định về thư tín dụng, thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép, tiêu chuẩn với người điều hành, những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ, quy định công khai công bố thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Các TCTD phải tự thân trong giai đoạn can thiệp sớm

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết về quy định can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt còn có nhiều còn có nhiều ý kiến trái chiều. UBTVQH đưa ra hai phương án để đưa ra hai phương án để điều chỉnh trường hợp đưa TCTD vào diện can thiệp sớm.

Phương án một, TCTD được đưa vào diện can thiệp sớm khi lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, quỹ dự trữ. Đồng thời, bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt vì trường hợp này có thể cho vào diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB). 

Phương án hai kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và vi phạm tỷ lệ an toàn theo ý kiến của Chính phủ và giữ trường hợp rút tiền hàng loạt trong can thiệp sớm.

Đa số thành viên UBTVQH thống nhất phương án một. 

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Về các biện pháp hỗ trợ TCTD được can thiệp sớm tại Điều 159, NHNN đề xuất bỏ một số biện pháp hỗ trợ như bán nợ xấu không có tài sản đảm bảo, mua nợ,… UBTVQH nhận định rằng giai đoạn can thiệp sớm chủ yếu là biện pháp tự thân của TCTD, không có sự can thiệp của NHNN và các TCTD khác để tránh ảnh hưởng lây lan. 

Do đó, UBTVQH đề xuất bỏ quy định các biện pháp hỗ trợ, chỉ quy định biện pháp tự thân, không quy định các biện pháp gián tiếp từ nguồn lực nhà nước, biện pháp không đảm bảo nguyên tắc kế toán.

Đa số các ý kiến trong UBTVQH cũng đề xuất bỏ các biện pháp hỗ trợ cho TCTD tham gia hỗ trợ bởi giai đoạn can thiệp sớm chủ yếu sử dụng nguồn lực tự thân, tránh ảnh hưởng đến TCTD lành mạnh, đồng thời khiến các TCTD khó khăn trở nên ỷ lại.

Ngoài ra, UBTVQH cho rằng biện pháp cho vay tái cấp vốn TCTD hỗ trợ là biện pháp hỗ trợ bắc cầu. Đồng thời, biện pháp hỗ trợ cũng có thể khiến phản ánh không đúng tình hình tài chính của các TCTD hỗ trợ, do đó UBTVQH cũng đề xuất bỏ điều này.

Xem xét đặt ngay vào diện kiểm soát đặc biệt khi lỗ trên 100% vốn điều lệ

Với điều 162, UBTVQH đưa ra hai phương án thiết kế chính sách. Trong đó, phương án một đặt ngay TCTD vào diện KSĐB khi lỗ lũy kế trên 100% vốn điều lệ, quỹ dự trữ, hết thời hạn không khắc phục được tình trạng can thiệp sớm, NHNN nhận thấy không có khả năng phục hội, TCTD bị giải thể, không có khả năng thanh toán …

Xem xét đặt vào diện kiểm soát đặc biệt đối với TCTD trong trường hợp mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán, lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn điều lệ, không duy trì tỷ lệ an toàn vốn trong 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong 6 tháng liên tiếp, xếp hạn yếu kém hoặc rút tiền hàng loạt. 

Với phương án hai, NHNN sẽ quyết định các trường hợp đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có trường hợp lỗ lũy kế lớn hơn 100% vốn điều lệ, quỹ dự phòng hoặc bị rút tiền hàng hoạt. 

Chính phủ nhất trí với phương án hai vì cho rằng việc đưa TCTD vào kiểm soát đặc biệt cần được cân nhắc thận trọng. Trong khi đó UBTVQH, thống nhất với phương án một do phương án này có tính răn đe, bao quát hơn. 

Về trường hợp cho vay đặc biệt, UBTVQH đề xuất bỏ nội dung liên quan đến việc TCTD được vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi và bổ sung TCTD được vay đặc biệt TCTD khác theo quy định. Ngoài ra, UBTVQH đề xuất bỏ nội dung NHNN được cho vay đặc biệt tổ chức bảo hiểm tiền gửi do tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Đồng thời, UBTVQH cũng đề xuất điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0% là Thủ tướng Chính phủ bởi đây là trường hợp sử dụng gián tiếp nguồn lực nhà nước.  

Quốc hội xem xét, chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng tại kỳ họp thứ 6

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.

Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

"Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau",Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề xuất.

Minh Quang