|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm hiểu thị trường Maroc: Những hiệp định tự do mậu dịch song phương

20:25 | 06/11/2020
Chia sẻ
Đến nay Maroc đã kí kết 5 hiệp định tự do mậu dịch song phương với các nước, theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc.

Các Hiệp định hiệp định tự do mậu dịch song phương Maroc đã kí kết gồm Hiệp định Maroc - Ai Cập, Hiệp định Maroc - Jordan, Hiệp định Maroc - Tunisia, Hiệp định Maroc - Mỹ, Hiệp định Maroc - Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiệp định Maroc - Ai Cập

Kí ngày 27/5/1998, có hiệu lực ngày 29/4/1999.

Phạm vi áp dụng: Thành lập một khu vực tự do mậu dịch trong giai đoạn 12 năm.

Điều khoản thỏa thuận: Danh sách ưu đãi loại bỏ thuế ngay lập tức; loại bỏ dần trong vòng 5 năm nếu thuế thấp hơn 25%; ấn định mức thuế 25% nếu hiện nay thuế suất cao hơn 25%; sau đó loại bỏ thuế trong thời gian 7 năm.

Miễn toàn bộ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm có trong danh mục 1 của Ai Cập và danh mục 2 của Maroc.

Xóa bỏ trong 5 năm theo danh mục 3 của Ai Cập và danh mục 4 của Maroc, cụ thể như sau:

+ Về 0% đối với các dòng thấp hơn 25%.

+ Về 25% đối với các dòng cao hơn 25%.

+ Xóa bỏ trong 7 năm tính từ năm thứ 6 Hiệp định có hiệu lực đối với 25% thuế nhập khẩu còn lại.

+ Các dòng thuộc danh mục (5) của Ai Cập và (6) của Maroc không được miễn thuế.

Các dòng nông sản sẽ xem xét sau. Qui định xuất xứ: RVC, 40%

Hiệp định Maroc - Jordan

Kí ngày 16/6/1998, có hiệu lực ngày 21/10/1999. Phạm vi áp dụng: Thiết lập một FTA giai đoạn 12 năm.

Nội dung: Danh sách ưu đãi loại bỏ thuế ngay lập tức; loại bỏ dần trong vòng 5 năm nếu thuế thấp hơn 25%; ở mức 25% nếu hiện nay thuế suất cao hơn 25%; sau đó loại bỏ thuế trong thời gian 7 năm.

Điều khoản thoả thuận: Miễn toàn bộ thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm có trong danh sách chung số 1; Loại bỏ dần dần trong thời gian 5 năm theo các bảng của Gioóc-đa-ni (2) và Maroc (3) để sau năm thứ 5 còn:

+ 0% đối với các sản phẩm mà thuế nhập khẩu thấp hơn 25%;

+ 25% đối với các sản phẩm mà thuế nhập khẩu cao hơn 25%;

+ Loại bỏ trong thời gian 7 năm kể từ năm thứ 6 Hiệp định có hiệu lực đối với 25% tỷ suất thuế nhập khẩu còn lại;

+ Những sản phẩm có trong danh sách (4) của Ma- rốc và (5) của Gioóc-đa-ni không được miễn thuế.

Việc kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sẽ được xem xét sau.

Qui định xuất xứ: RVC 40%

Hiệp định Maroc - Tunisia

Kí ngày 16/3/1999, có hiệu lực ngày 16/3/1999.

Nội dung: Cắt giảm thuế quan theo 4 danh mục đối với Maroc và 3 danh mục đối với Tuy-ni-di. Các danh mục bao gồm các mức cắt giảm: thuế suất bằng 0%; 17,5%; xóa bỏ trong thời gian 8 năm.

Điều khoản thoả thuận:

- Danh sách T1 và M1 gồm các sản phẩm có thể tự do trao đổi được miễn thuế nhập khẩu và phí tương đương.

- Thuế VAT vẫn được áp dụng (cơ sở đánh thuế VAT dựa trên giá trị tính thuế nhập khẩu).

- Danh sách MT: gồm những sản phẩm tự do trao đổi với việc thanh toán 1 loại thuế duy nhất là 17,5%.

- Danh sách M2, T2, T3: Loại bỏ thuế quan theo lộ trình thỏa thuận.

- Qui định xuất xứ: RVC, 40%

Hiệp định Maroc - Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UEA)

Hiệp định được ký ngày 25/6/2001, có hiệu lực ngày 9/7/2003. Nội dung: Thiết lập một FTA.

Điều khoản thoả thuận:

- Xóa bỏ tất cả hàng rào phi thuế và không áp dụng những biện pháp phi thuế quan mới.

- Xóa bỏ việc giảm thuế đối với các sản phẩm đến từ các khu chế xuất của hai nước trong khi chờ đợi kết quả nghiên cứu mà Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên đoàn Ả-rập thực hiện.

- Áp dụng những qui tắc xuất xứ chung trong khi chờ đợi Hội đồng Kinh tế và Xã hội thông qua những qui tắc xuất xứ riêng.

- Áp dụng các biện pháp tự vệ theo qui định của WTO.

- qui định xuất xứ: RVC 40%

Hiệp định Maroc - Mỹ

Kí ngày 15/6/2004, có hiệu lực ngày 1/1/2006.

Phạm vi: Tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hoá (nông sản, sản phẩm đánh bắt, sản phẩm công nghiệp trong đó có dệt may và quần áo), dịch vụ (trong đó có dịch vụ tài chính và viễn thông) và các hợp tác giao thầu công, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và lao động…

Điều khoản thoả thuận:

Xuất khẩu từ Mỹ:

- Maroc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ thuộc loại giảm thuế A nằm trong phụ lục I.

- Những sản phẩm dệt và quần áo được miễn thuế nhập khẩu có hoặc không hạn chế về số lượng, hoặc được xoá bỏ thuế này theo các lộ trình nêu ở phụ lục II ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

- Một số sản phẩm được miễn thuế phải chịu các hạn ngạch hàng năm trong 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Khi những mặt hàng này được nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ được giảm thuế theo các lộ trình qui định tại phụ lục II.

- Kể từ năm hiệu lực thứ 6, những sản phẩm của phụ lục III sẽ được miễn thuế nhập khẩu, không hạn chế về số lượng.

- Một số sản phẩm nông nghiệp (lúa mì cứng, lúa mì mềm và táo tươi) chịu hạn ngạch được hưởng ưu đãi thuế theo lộ trình riêng đối với mỗi sản phẩm.

- Những mặt hàng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ được xóa bỏ thuế quan tuỳ theo từng sản phẩm liên quan hoặc duy trì thuế cơ bản (thuế nhập khẩu) theo những chỉ dẫn trong phụ lục IV.

- Hiệp định cũng qui định việc Maroc có thể áp dụng những biện pháp tự vệ tự động đối với việc nhập khẩu các nông sản khi khối lượng hàng nhập khẩu liên quan vượt quá ngưỡng cho phép đối với các sản phẩm này.

Xuất khẩu từ Maroc:

- Những sản phẩm xuất xứ Maroc xuất khẩu sang Mỹ được hưởng hoặc miễn thuế hoặc được cắt giảm theo lộ trình thuế quan tuỳ theo các loại đã nêu tại phụ lục I kèm theo Hiệp định.

- Ngoài các lộ trình trong phụ lục I, Hiệp định còn qui định các loại sản phẩm được dỡ bỏ thuế U, V và W nhằm cấp quy chế đối xử đặc biệt cho một số mặt hàng đã nêu trong phần chú thích chung về lộ trình cắt giảm thuế quan của Mỹ tại phụ lục IV của Hiệp định.

- Nông sản có xuất xứ từ Maroc phải chịu hạn ngạch khi xuất khẩu vào Mỹ được xác định tại phần chú thích chung của phụ lục I của Hiệp định.

- Hiệp định này qui định những biện pháp tự vệ về các sản phẩm có xuất xứ từ Maroc khi nhập khẩu vào Mỹ với giá thấp hơn ngưỡng cho phép theo phụ lục VIII.

- Hiệp định cũng qui định những điều khoản thuế quan mới liên quan đến: Tạm nhập sản phẩm; các mặt hàng tái nhập khẩu sau khi tạm xuất để hoàn thiện một cách thụ động; nhập khẩu miễn thuế đối với hàng mẫu thương mại hoặc ấn phẩm quảng cáo có giá trị không đáng kể; chế độ thuế đối với những sản phẩm kỹ thuật số…

Hiệp định Maroc - Thổ Nhĩ Kỳ

Kí ngày 7/4/2004, có hiệu lực ngày 1/1/2006.

Phạm vi áp dụng: Thương mại hàng hoá. Một điều khoản của Hiệp định xác định việc tự do hoá dần dần các trao đổi trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như tự do hoá thương mại dịch vụ và quyền thành lập công ty.

Điều khoản thỏa thuận:

- Đối với các sản phẩm công nghiệp:

Để đổi lại việc tự do thâm nhập của các sản phẩm công nghiệp Maroc, Maroc sẽ loại bỏ tất cả thuế quan và phí tương ứng không có trong các danh sách kèm theo Nghị định thư I ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với những sản phẩm còn lại, Hiệp định qui định như sau:

A - Danh sách 1: Xóa bỏ mỗi năm 10% thuế trong thời gian 10 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực;

B - Danh sách 2: Xóa bỏ hàng năm trong giai đoạn 10 năm với tỷ lệ 3% trong 4 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và 15% trong 6 năm tiếp theo;

C - Danh sách 3: Liên quan đến các sản phẩm đã qua sử dụng, các qui định cụ thể sẽ được xem xét lại trong cuộc họp của Uỷ ban quản lí Hiệp định.

- Đối với các sản phẩm nông nghiệp: Trao đổi những nhượng bộ ghi trong danh mục đính kèm Nghị định thư II.

- Qui tắc xuất xứ: Nghị định thư III về qui tắc xuất xứ đính kèm Hiệp định đưa ra những điều khoản ưu đãi về qui tắc xuất xứ nhất là việc mở rộng hệ thống luỹ kế xuất xứ khu vực châu Âu. Các nước khu vực châu Âu, Địa Trung Hải có liên quan đến áp dụng cộng gộp xuất xứ này là các thành viên EU, 4 nước thành viên của Khu vực tự do mậu dịch châu Âu, Bulgaria, Rumani, Thổ Nhĩ Kỳ và 9 nước bờ Nam Địa Trung Hải như Maroc, Angeria, Ai Cập, Tunisia, Syria, Palestine, Jordan, Israel và Liban.

Ánh Dương