|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm hiểu thị trường Maroc: Tập quán và văn hóa kinh doanh

10:17 | 29/12/2020
Chia sẻ
Cũng giống như phần lớn nước Arab, tại Maroc tiếp xúc trực tiếp là một yếu tố quan trọng, nhất là khi thiết lập quan hệ đối tác. Việc liên hệ qua thư điện tử email lần đầu tiên thường không hiệu quả vì đối tác Maroc nhiều khi không trả lời.

Kiên nhẫn và linh hoạt khi muốn làm việc tại Maroc

Theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc, khó có thể tiến hành buôn bán hay ký kết hợp đồng mà không có trước các mối quan hệ thân thiết và hữu nghị.

Do vậy, quan hệ trong công việc có đặc điểm gần giống như quan hệ bạn bè và nên có những buổi tiếp xúc công việc trong những bữa ăn trưa hoặc tối. 

Chỉ như vậy, việc đàm phán mới có kết quả. Sự kiên nhẫn và linh hoạt sẽ là rất cần thiết cho tất cả ai muốn làm việc tại thị trường Maroc.

Người Maroc thường rất tin tưởng vào ý chí của thần thánh. Những thủ tục hành chính thường kéo dài thêm thời hạn.

Một số chủ đề nói chuyện cần tránh như liên quan đến Đức Vua hoặc đạo Hồi vì người ta sẽ xem đây là vấn đề tế nhị nhất. Cũng không nên ăn, uống hoặc hút thuốc công khai trong tháng nhịn ăn ban ngày Ramadan.

Vị trí của phụ nữ trong nền kinh tế Maroc cũng đang có những tiến triển tích cực. Một luồng tư tưởng mới đang phát triển với cuộc cải cách mang tên Moudawana và đã có một Hiệp hội nữ doanh nhân Maroc được thành lập. 

Tuy nhiên, tính đến tầm quan trọng trong cách ăn mặc và dáng điệu nói chung của người phụ nữ Maroc thì phụ nữ nước ngoài nên mặc quần dài hoặc bộ quần áo nữ cùng một loại vải khi ở nước này.

Cuối cùng, việc sử dụng các đại lý thương mại Maroc cũng có thể là sự lựa chọn đúng đắn mang tính chiến lược. 

Những người trung gian này (người được uỷ quyền, người môi giới mua bán...) biết rất rõ thị trường trong nước và thành thạo tiếng Ả-rập có thể giúp tránh được mọi sự hiểu nhầm hoặc cái bẫy mà một người nước ngoài chưa có kinh nghiệm có thể mắc phải.

Trong một đất nước mà học thuyết quan hệ giữ vai trò quan trọng thì người ta sẽ dễ dàng hiểu được lợi ích của một người địa phương, tất nhiên trên cơ sở được lựa chọn kĩ càng.

Để xuất khẩu trực tiếp sang Maroc, các doanh nghiệp nên thăm quan, khảo sát thị trường trong giai đoạn đầu để giới thiệu sản phẩm, giá cả, tìm hiểu đối tác...

Các bước tiếp cận thị trường

Bước 1: Tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường và sản phẩm

- Thông tin cơ bản về thị trường

- Luật lệ thương mại hiện hành

- Các qui định về xuất nhập và đầu tư

Các lĩnh vực và mặt hàng kinh doanh cụ thể...

Bước 2: Tổ chức khảo sát thị trường

- Tiếp xúc với các Cơ quan và tổ chức xúc tiến thương mại địa phương.

- Gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp theo chuyên ngành.

- Thăm quan cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh tại địa phương.

- Tham dự hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm (nếu có điều kiện)

Thoả thuận ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu nếu tìm đước đối tác phù hợp.

Bước 3: Lựa chọn đại lý thương mại địa phương

- Thoả thuận ký kết hợp đồng Đại lý thương mại với các đối tác địa phương có uy tín.

- Triển khai cụ thể các hợp đồng xuất nhập khẩu đã thoả thuận thông qua Đại lý.

Xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam và Maroc.

Gặp gỡ, đàm phán

Trong đàm phán, khi thương lượng về giá cả, các đối tác Maroc luôn muốn mình là người quyết định đưa ra giá cuối cùng và rất muốn mình được coi trọng.

Vì vậy, để có thể đưa ra được mức giá cuối cùng và kết thúc cuộc đàm phán, bạn nên gây cho họ một ấn tượng là họ là người chiến thắng trong cuộc đàm phán đó.

Trong các cuộc hẹn, thời gian không phải là vấn đề quá quan trọng đối với người Ma- rốc. Các đối tác Maroc thường hay trễ hẹn.

Nếu một cuộc hẹn được sắp xếp từ 9h00 thì thông thường đối tác sẽ đến vào 8h30 hoặc muộn hơn. Tuy nhiên có thể không cần phải cố gắng kiên nhẫn chờ đợi, cũng không nên ngại khi gọi cho họ 30 phút trước giờ hẹn chính thức để yêu cầu họ đến đúng giờ. Vẫn có một số đối tác coi trọng giờ giấc. Đây là những người chuyên nghiệp và thường là các đối tác lớn, có ảnh hưởng từ phương Tây.

Nhìn chung, người Maroc rất tôn trọng người nước ngoài, và nếu bạn có địa vị hay học vị cao, bạn sẽ gây cho họ một ấn tượng mạnh. Bạn cần phải cố gằng duy trì ấn tượng tốt đẹp này và cố gắng đừng tỏ ra quay mặt lại với sự hấp dẫn và vẻ đẹp của người Maroc vì điều đó sẽ gây khó khăn cho bạn trong cách ứng xử với họ.

Thông thường, người Maroc sẽ không bắt đầu câu chuyện bằng cách đi thẳng vào vấn đề cần bàn luận. Do đó, để thể hiện rằng bạn rất quan tâm đến một ai đó, trước tiên bạn nên hỏi họ về gia đình, sức khoẻ hay về những người bạn của họ. Nếu không làm như vậy, rất có thể bạn sẽ làm cho họ cảm thấy khó chịu, và gây cho họ ấn tượng không tốt.

Người Maroc không thích thảo luận, bàn cãi về một vấn đề nào đó một cách trực tiếp.

Ví dụ như khi bạn mời một người Maroc đi ăn, họ sẽ không biểu lộ ngay cho bạn thấy họ cảm thấy thích thú như thế nào về món ăn, mà sau khi trở về, họ sẽ nói với một người quen khác và người này sẽ nói lại cho bạn biết điều đó.

Gặp trực tiếp, đối diện với một ai đó ở nơi công cộng hay ở nhà riêng... không phải là sự lựa chọn sáng suốt. Tốt hơn hết là bạn cần phải tìm một người nào đó có vai trò như một người trung gian sẵn sàng nói cho bạn biết bạn cần phải làm gì. Tuy nhiên nếu bạn gặp phải một vấn đề nghiêm trọng, bạn đừng ngần ngại nói thẳng.

Nhìn chung, ở Maroc phụ nữ sẽ tỏ ra thân thiện hơn nam giới. Nhưng ta cần biết chừng mực khi giao tiếp với phụ nữ vì đây là quốc gia hồi giáo. Tránh khen ngợi phụ nữ đẹp trước mặt các quý ông. Nhiều người sẽ coi ta khiếm nhã và không muốn nói chuyện (mặc dù một số phụ nữ có vẻ thích khi được khen ngợi).

Khi làm ăn buôn bán với đối tác Maroc, việc thiết lập mối quan hệ cá nhân là việc làm rất quan trọng và nhất thiết phải có. Mọi người đều phải hướng tới và cố gắng xác lập những mối quan hệ, ít nhất là mối quan hệ với người mà trong tương lai có thể sẽ trở thành người trợ giúp mình. Thông thường, khi một ai đó giúp đỡ bạn thì điều đó cũng được hiểu là bạn cũng sẽ giúp đỡ lại họ khi họ cần.

Giao tiếp

Về cách xưng hô, khi tự giới thiệu và gọi tên đối tác nên gọi đầy đủ cả họ tên và chức danh, không nên chỉ gọi bằng tên không. Nên trao đổi trực tiếp với người có chức vụ cao nhất trong đoàn đối tác cho dù trong đoàn có người được cử ra đại diện đàm phán.

Luôn mang theo danh thiếp và trao danh thiếp cho tất cả những người bạn gặp cho dù trước đó bạn đã đưa danh thiếp cho thư ký của người đó. Nên nhớ tên của người thư ký để tiện nhắc tên và liên hệ sau này.

Vì vậy, cần mang nhiều danh thiếp đủ dùng trong suốt chuyến đi và cũng nên xem đây là một hình thức quảng bá hiệu quả, chi phí thấp về doanh nghiệp của bạn.

Nên bắt tay đối tác cả khi đến và khi về nếu không sẽ bị coi là không lịch sự.

Luôn tỏ ra đúng mực trong giao tiếp, có thể hẹn gặp đối tác cùng ăn trưa hoặc ăn tối để bàn công việc, lưu ý chọn nhà hàng phù hợp với cấp bậc hoặc chức vụ của khách mời, không nhất thiết phải mang theo quà tặng tới các bữa tiệc vì có thể gây hiểu nhầm.

Trang phục

Hiệu quả của cuộc gặp có thể cao hơn nếu ta ăn mặc chỉn chu.

Người mặc áo vét luôn được coi trọng hơn người luộm thuộm tại công sở vì trang phục đối với người Maroc phần nào thể hiện vị trí và địa tầng trong xã hội. Đây là yếu tố cần quan tâm lưu ý.




Ánh Dương