|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tiền trảm sản phẩm nhái, hậu tấu Amazon: Giải pháp chống hàng giả của người giàu nhất thế giới

14:06 | 03/07/2019
Chia sẻ
Khi một người bán độc lập phát hiện hàng nhái sản phẩm của họ trên Amazon, họ có thể loại chúng khỏi trang ngay lập tức mà không cần đợi sự đồng ý của sàn thương mại điện tử.

Năm 2016, Apple kiện một công ty ở thành phố New York (Mỹ) vì bán các linh kiện nhái sản phẩm của Apple (chẳng hạn như dây sạc) trên trang Amazon. Hồi tháng 4 năm nay, một phóng viên của báo The Atlantic đặt hàng thành công một chiếc Airpods của Apple trên Amazon. 

Nhiều doanh nghiệp tổn thất vì hàng giả trên Amazon

Không chỉ Apple, hàng giả trên Amazon là vấn đề nhức đầu đối với mọi công ty, song chỉ một số doanh nghiệp khiếu nại. Giờ đây, tỉ phú Jeff Bezos muốn tạo điều kiện để mọi thương hiệu thực hiện cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái dễ dàng hơn, nhưng họ phải tự lực cánh sinh, theo Wired.

Amazon

Công nhân làm việc trong một kho hàng của Amazon. Ảnh: Washington Post

Sàn thương mại điện tử lớn nhất nước Mỹ sắp triển khai một giải pháp mà người mua mong chờ trong nhiều năm: Trao cho họ khả năng loại những danh mục hàng giả trên trang Amazon.com ngay lập tức thay vì phải báo cáo chúng rồi đợi sự phản hồi. 

Đó là một trong những cam kết trong "Dự án Zero" - tên của một chương trình chống hàng giả mới nhất mà Amazon thực hiện. 

Hơn 2,5 triệu người bán hàng độc lập đang hoạt động trên chợ Amazon. Họ phải trả tiền để niêm yết sản phẩm với Amazon, sử dụng các dịch vụ bổ sung như quảng cáo, vận chuyển, lưu kho. Amazon cũng bán các sản phẩm do họ sản xuất.

Năm 2017, hơn một nửa sản phẩm mà khách hàng mua trên Amazon tới từ người bán độc lập. Họ cạnh tranh với nhau để giành thứ hạng cao trong kết quả tìm kiếm trên Amazon và giành những danh hiệu như "Sự lựa chọn của Amazon". 

Ngoài ra, người bán độc lập cũng phải cạnh tranh với những người mua hàng rồi bán lại, những kẻ bán hàng giả với giá rất thấp so với hàng thật.

Trao quyền tự chủ cho các thương hiệu

Khi một người bán độc lập phát hiện hàng nhái sản phẩm của họ trên Amazon, họ sẽ phải bắt đầu hành trình gian nan qua những quy định và chính sách của sàn thương mại điện tử. Chẳng hạn, Amazon thường yêu cầu người bán mua một sản phẩm ngẫu nhiên để xem liệu nó thực sự là hàng giả hay không.

Hệ thống chính sách và quy định của Amazon phức tạp đến nỗi nó thúc đẩy sự ra đời của một ngành tư vấn chuyên biệt để giúp thương nhân vượt qua "mê cung". Với "Project Zero", Amazon muốn thay đổi thực tế ấy bằng cách giảm vai trò của sàn và tăng tính chủ động của người bán.

Thực ra Amazon chưa thực hiện các giải pháp bảo vệ người mua trong "Dự án Zero" trên diện rộng. Tập đoàn đang thử nghiệm chương trình với 15 thương hiệu mà họ chọn trong nhiều tháng. Hiện tại Amazon đang mở rộng phạm vi của dự án, song các chủ thương hiệu phải đăng ký để tập đoàn đưa họ vào danh sách chờ, và Amazon không nói họ sẽ phải chờ bao lâu.

Về mặt chức năng, thủ tục ấy khiến Dự án Zero không khác biệt nhiều so với tính năng "giới hạn thương hiệu", cho phép nhà sản xuất kiểm soát người có khả năng bán sản phẩm của họ. Amazon thiết lập chức năng "giới hạn thương hiệu" vì sức ép của một số tập đoàn đầy quyền lực như Nike - một trong những thương hiệu từ chối bán hàng trên Amazon tới khi họ có quyền phê chuẩn những người có thể bán hàng của họ vào năm 2017. 

Tuy nhiên, Amazon không cấp quyền khống chế cho mọi thương hiệu đòi hỏi quyền đó hoặc công bố những tiêu chuẩn để doanh nghiệp có thể nhận quyền giới thương hiệu.

Một khía cạnh khác của Dự án Zero được gọi là "thứ tự hóa sản phẩm", nghĩa là tạo ra những mã vạch riêng cho từng sản phẩm. Những mặt hàng không có mã vạch sẽ bị phát hiện khi chúng tới nhà kho của Amazon và nhân viên trong kho sẽ tịch thu chúng.

Nhưng thứ tự hóa không phải là giải pháp hoàn toàn mới. Năm ngoái, Amazon triển khai một dịch vụ tương tự, mang tên "Transparency" (minh bạch). Đó là cỗ máy kiếm tiền cho Amazon, bởi chi phí cho mỗi mã là vài cent cho mỗi sản phẩm. Một người phát ngôn của Amazon tuyên bố những người tự in má vạch sẽ không phải trả phí. Tuy nhiên, không ai biết cơ chế hoạt động của Dự án Zero giống dịch vụ Transparency hay không.

Cuộc chiến giữa các thương hiệu và hàng giả trên Amazon sẽ còn tiếp diễn, bất chấp những nỗ lực của tập đoàn. Những kẻ bất lương có động cơ rất lớn để bán hàng giả trên một trong những chợ điện tử lớn nhất thế giới, bởi chúng có thể tạo ra doanh thu tới hàng tỉ USD mỗi năm.

Luân Thường

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.