|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhiều 'gã khổng lồ' như Uber, Amazon thất bại ở Trung Quốc, nhưng một chàng trai 25 tuổi lại thành công nhờ bí quyết ngược đời

07:22 | 22/06/2019
Chia sẻ
Hoạt động tại Trung Quốc từ cuối năm 2017, Oyo đang tăng trưởng phi mã, trở thành chuỗi khách sạn bình dân lớn thứ hai tại Trung Quốc với hơn 400,000 phòng tại 290 thành phố nhờ chủ trương không ưu tiên tuyển những người biết tiếng Anh.

Sự tăng trưởng nhanh của chuỗi khách sạn Oyo từ Ấn Độ là một trong những thành công hiếm hoi tại Trung Quốc trong khi các "gã khổng lồ" như Amazon, Uber, Apple và Google đang chật vật để thâm nhập thị trường béo bở này.

Từ khi khai trương chi nhánh Oyo Jiudian tại Trung Quốc vào tháng 11/2017, Oyo đã tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Công ty khẳng định họ là chuỗi khách sạn bình dân lớn thứ hai tại Trung Quốc với hơn 400,000 phòng trải khắp 290 thành phố, nhiều hơn cả số phòng tại Ấn Độ, nơi Oyo thống trị thị trường và gần như không có đối thủ gần ngang tầm.

Phát biểu với This Week in Asia, anh Ritesh Agarwal, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành, thổ lộ: "Đối với chúng tôi, Trung Quốc và Ấn độ đều là thị trường nội địa của Oyo".

Oyo

Một khách sạn hợp tác với Oyo ở Trung Quốc. Ảnh: Business World

Ritesh, chàng trai 25 tuổi từng bỏ đại học, thành lập Oyo khi anh mới 19 tuổi. Anh cho rằng thành công tại Trung Quốc xuất phát từ chiến lược kinh doanh địa phương hóa. Trong đội ngũ hùng hậu 6.000 nhân viên của Oyo, chỉ dưới 20 người có thể nói tiếng Anh.

Agarwal nói rằng hầu hết doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đều ưu tiên tuyển các nhà quản lí có thể nói 2 thứ tiếng nhưng đó không bao giờ là tiêu chuẩn của Oyo. Chính sách ấy góp phần giúp công ty vượt qua những hạn chế lớn.

"Chúng tôi đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc với suy nghĩ một công ty Trung Quốc sẽ áp dụng giải pháp nào nếu họ muốn cạnh tranh với Oyo, và thực sự cách nghĩ ấy đã cho thấy kết quả" anh chia sẻ.

Mô hình kinh doanh của Oyo - đóng vai trò trung gian kết nối các chủ sở bất động sản với khách hàng thông qua thương hiệu của công ty- đã thành công vang dội tại Ấn Độ và do đó Agarwal muốn nhân rộng mô hình trên toàn thế giới.

Oyo đang lên kế hoạch đầu tư 960 triệu USD để mở rộng tại thị trường châu Á trong vòng 5 năm tới, trong đó công ty dành 600 triệu USD cho Trung Quốc, địa điểm thu hút lượng khách du lịch lớn thứ 4 trên thế giới.

Khoản ngân sách còn lại sẽ được đầu tư vào một số quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và Philippines.

Theo tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2030, khoảng 535 triệu du khách sẽ tới châu Á. Kế hoạch mở rộng của Oyo tại Trung Quốc gắn liền với mục tiêu đầy tham vọng của công ty là trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất trên thế giới, vượt cả Marriott, chuỗi khách sạn đang đang quản lí 1,23 triệu phòng nghỉ.

Mức định giá của Oyo là 5 tỉ USD, với phần lớn vốn do tập đoàn Softbank của Nhật Bản cung cấp. Các nhà đầu tư khác bao gồm ứng dụng gọi xe Didi Chuxing, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Grab Venture tại Singapore, Quỹ Đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital và Greenoaks Capital tại Mỹ. Tháng trước, công ty Airbnb của Mỹ cũng đầu tư số vốn 100 triệu USD cho Oyo trong thương vụ mà họ gọi là "đầu tư chiến lược".

Nhạc Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.