|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu gây đau đớn cho ngành khách sạn

06:46 | 17/06/2019
Chia sẻ
Các khách sạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai ảm đạm bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến người tiêu dùng giảm những khoản chi không cần thiết trong thời gian tới.

Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường bất động sản Colliers International cho thấy tỷ lệ thuê phòng và doanh thu của các khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương đã giảm trong quý đầu tiên do sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Doanh thu và tỉ lệ thuê phòng khách sạn đều giảm

Báo cáo cho thấy, doanh thu trên mỗi phòng (một chỉ số chính về hiệu suất hoạt động của khách sạn) giảm 7,2% trong ba tháng đầu năm so với cùng kì năm ngoái, trong khi tỷ lệ thuê phòng giảm xuống 67,4%.

khach san

Một khách sạn hạng sang trên đảo Bali thuộc Indonesia. Ảnh: bali-indonesia.com

"Đây là bằng chứng cho thấy sự leo thang gần đây trong tranh chấp thương mại và bế tắc chính trị giữa Mỹ với Trung Quốc đang bắt đầu tác động tới niềm tin của giới kinh doanh và người tiêu dùng, làm giảm mức tăng của cầu", Govinda Singh, giám đốc phụ trách định giá và tư vấn khu vực châu Á của ­Colliers International và cũng là tác giả của báo cáo, phát biểu.

Các số liệu cho thấy tác động của viễn cảnh kinh tế ảm đạm hơn đối với chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng do chiến tranh thương mại gây nên. 

Colliers kì vọng doanh thu của các khách sạn trong khu vực tăng 3 đến 4 % trong năm nay, nhưng mọi sự leo thang của tranh chấp thương mại có thể khiến tăng trưởng bằng không hoặc thậm chí giảm từ 2% đến 3%.

"Khi chúng tôi đưa ra dự báo đó, tôi đã tính tới kịch bản cuộc chiến thương mại có lẽ sẽ không tệ như nó sắp diễn ra. Nhưng nếu chiến tranh thương mại trở nên tồi tệ hơn, và đương nhiên nó có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn, nó sẽ gây tác động tiêu cực", ông Singh nói.

Ông nói thêm rằng nhu cầu của khách sạn phụ thuộc niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên bất kỳ tác động nào đối với niềm tin cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh doanh của khách sạn. Theo ông, hiệu suất tổng thể của các khách sạn châu Á ở các thành phố như Hồ Chí Minh, Kuala Lumpur và Phuket đã giảm hơn 10%.

Những điểm sáng hiếm hoi

Hong Kong là một ngoại lệ, với tỷ lệ thuê phòng ở mức cao (92%) trong quý, còn doanh thu trên mỗi phòng tăng 2,7%.

Mặc dù triển vọng ngày càng ảm đạm, Singh vẫn chỉ ra vài điểm sáng trong lĩnh vực khách sạn của châu Á-Thái Bình Dương như New Delhi, Manila và Seoul - những nơi mà lượng khách thuê phòng tăng hơn 3% trong giai đoạn này.

du khach o Seoul

Seoul là một trong những nơi hiếm hoi có số lượng du khách tăng, tạo nên triển vọng sáng sủa cho các khách sạn. Ảnh: Korea Bizwire

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lạc quan khi chỉ ra rằng số lượng khách thuê phòng ở châu Á ngày càng tăng.

"Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, số lượng khách du lịch đến châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 6% mỗi năm. Khu vực này tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và có triển vọng tích cực hơn trong bốn tháng tới so với các khu vực khác.", ông Zhang Jiahao, cố vấn của CBRE Hotels Châu Á -Thái Bình Dương, bình luận.

Hồng Ngát