Tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Senegal
Tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Senegal
Senegal là quốc gia Tây Phi ổn định về chính trị nhất trong khu vực, có nền kinh tế mở, là nơi đặt trụ sở Ngân hàng Trung ương các quốc gia Tây Phi, có cảng biển quốc tế Dakar và hệ thống đường sắt, là nơi trung chuyển hàng hóa trong vùng.
Senegal là thành viên của Liên minh Kinh tế - Tiền tệ Tây Phi (UEMOA), gồm 8 quốc gia nói tiếng Pháp và Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 nước có biểu thuế nội khối ở mức 0%.
Senegal là một trong số các nước châu Phi có tỉ lệ tăng trưởng GDP cao, với tỉ lệ 6,7% năm 2018 và 6% năm 2019. Theo Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Senegal năm 2019 đạt 23,9 tỉ USD, GDP bình quân đầu người là 1428 USD.
Thâm nhập thị trường này, hàng hóa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu 16 triệu người tiêu dùng Senegal, mà còn có cơ hội cung cấp cho các nước khác trong khối, nhất là các quốc gia láng giềng như Mali, Guinea Bissau, Cộng hòa Guinea và Mauritania.
Mặc dù thực hiện chính sách tự cấp lương thực từ nhiều năm nay song Senegal chưa thể đáp ứng được nhu cầu về gạo trong nước, mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 700 - 900 nghìn tấn.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 52,56 triệu USD (trong đó riêng gạo chiếm 32 triệu USD), tăng 103% so với cùng kì 2018 và kim ngạch nhập khẩu đạt 15 triệu USD, giảm 50%.
Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này đạt 3,5 triệu USD, tăng 21% so với cùng kì năm 2019.
Bên cạnh mặt hàng gạo, Việt Nam còn có nhiều tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm dệt may, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, linh kiện phụ tùng xe máy, sắt thép các loại, hạt tiêu, tinh bột sắn, sản phẩm bằng cao su, máy nông nghiệp…
Về nhập khẩu, Việt Nam mua của Senegal các mặt hàng bông, điều thô, hải sản, thức ăn gia súc phục vụ sản xuất, chế biến trong nước và xuất khẩu.
Ngoài thương mại hàng hóa thông thường, “Kế hoạch Senegal nổi lên” giai đoạn hai do Tổng thống đương nhiệm Macky Sall khởi xướng từ năm 2014 nhằm đưa Senegal trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2035, đang mở ra nhiều cơ hội về đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản (bông, điều, xoài), khai thác mỏ (vàng, dầu khí).
Việc phát hiện ra dầu lửa ngoài khơi và dự kiến đi vào khai thác năm 2021 sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng cho quốc gia Tây Phi này.
Senegal đang tích cực triển khai nhiều biện pháp cải cách và mở cửa nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường đào tạo nguồn nhân công chất lượng cao, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài thông qua những ưu đãi về thuế mà nước này được hưởng khi xuất khẩu sang Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, EU và thị trường Mỹ.
Một số lưu ý trong hợp tác thương mại song phương
Cũng giống như nhiều nước châu Phi khác, tại Senegal xảy ra hiện tượng lừa đảo thương mại qua mạng Internet.
Để phòng tránh hiện tượng này, doanh nghiệp Việt Nam cần liên hệ với Bộ phận đăng kí kinh doanh của Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Dakar và của Tòa thương mại Senegal trước khi tiến hành giao dịch.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể đề nghị đối tác cung cấp bản sao giấy phép đăng kí kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, scan hộ chiếu ảnh người đại diện công ty Senegal để các cơ quan chức năng hỗ trợ xác minh khi cần thiết.