|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu Việt bị lừa đảo tại Senegal

13:09 | 10/10/2019
Chia sẻ
Một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam đã bị một công ty Senegal cắt đứt liên lạc sau khi mua một container tiêu trị giá hơn 61.000 USD mà không thanh toán.

Lô hàng xuất khẩu tiêu hơn 61.000 USD gần 2 tháng vẫn chưa được thanh toán

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal nhận được thư của một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu của Việt Nam nhờ hỗ trợ đòi tiền hàng một công ty tại Senegal.

Công ty này được doanh nghiệp Việt Nam tìm thấy qua mạng internet có tên GSN INTERNATIONAL, địa chỉ tại Lot 1TF2805 Ouest Foire, Dakar, Senegal. Người đại diện là ông ELAHDJI SIDY NIANG, điện thoại di động: +221771946767, email : sidyniang1104@gmail.com.

GSN INTERNATIONAL đã mua 1 container tiêu đen 40 feet từ Việt Nam trị giá 61.750 USD với hình thức thanh toán là CAD 100% thông qua ngân hàng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Senegal đạt 25,8 triệu USD, chủ yếu gồm các mặt hàng hạt tiêu (6 triệu USD), sản phẩm dệt may (4,8 triệu USD), gạo (3,2 triệu USD), bánh kẹo, sản phẩm ngũ cốc (2,8 triệu USD), điện thoại di động và linh kiện (2 triệu USD), hàng hải sản (1,2 triệu USD)…

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Senegal đạt 28 triệu USD, trong đó các mặt hàng chính là hạt điều (20 triệu USD), hàng hải sản (6,7 triệu USD), bông (0,7 triệu USD).

Ngân hàng của người mua là VDN/BICIS, địa chỉ: Sacré-Cœur 3 - Lot B - VDN angle Ancienne Piste BP 392 Dakar, Senegal. 

Sau đó, người mua này đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng nhưng không thanh toán cho công ty Việt Nam đến nay đã gần hai tháng. Công ty xuất khẩu Việt Nam đã liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được. 

Ngân hàng người bán cũng đã liên lạc với ngân hàng người mua tại Senegal thì được trả lời là người kí nhận bộ chứng từ (do khách hàng giới thiệu) không làm việc tại ngân hàng này.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã điện thoại trực tiếp cho khách hàng là ông ELAHDJI SIDY NIANG nhưng ông này nói không có bằng chứng việc công ty Senegal nhập khẩu hàng Việt Nam, sau đó cắt mọi liên lạc.

Hiện, Thương vụ đã gửi thư kèm theo các chứng từ liên quan tới Đại sứ quán Senegal tại Algeria, Bộ Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Senegal cũng như Ngân hàng VDN/BICIS để nhờ hỗ trợ, yêu cầu khách thanh toán tiền hàng cho nhà xuất khẩu Việt Nam. 

Tuy nhiên, phía bạn xử lí rất chậm chạp và chưa có kết quả.

Doanh nghiệp Việt cần cảnh giác

Qua vụ việc trên và những tranh chấp thương mại phát sinh trước đó với một số đối tác châu Phi, Thương vụ Việt Nam tại Algeria lưu ý các doanh nghiệp khi kinh doanh tại khu vực này, nhất là ở Tây và Trung Phi (Senegal, Mali, Niger…) cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu của các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc. 

Hạn chế tìm kiếm bạn hàng qua mạng internet hoặc giao dịch với đối tác tự tìm đến mình qua website.

Đồng thời đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng kí kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để các cơ quan chức năng (Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại châu Phi…) có thể hỗ trợ xác minh trước khi tiến hành giao dịch.

Bên cạnh đó, phương thức thanh toán nên sử dụng L/C không hủy ngang có xác nhận. Đề nghị khách hàng trả trước, đặt cọc ít nhất là 30% giá trị tiền hàng, hạn chế cho khách hàng trả chậm. 

"Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document Acceptance, nhờ thu chấp nhận chứng từ) bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng", Thương vụ Việt Nam tại Algeria cảnh báo.

Ngoài ra, nếu nhập khẩu hàng từ châu Phi, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại như Bitec International SA, Văn phòng Veritas trước khi đưa hàng lên tàu. 

Doanh nghiệp Việt Nam nên cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để không phải đặt cọc tiền hoặc đặt cọc mức tối thiểu. Tránh sử dụng dịch vụ Western Union để chuyển tiền. 

Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ, tốt nhất trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu.

Và hợp đồng cần qui định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài hay tòa án để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.

Như Huỳnh