Thương vụ M&A lịch sử ngành chip sụp đổ khiến nhiều kế hoạch kế hoạch đuổi kịp TSMC của Samsung gặp nhiều sóng gió
Theo các nhà phân tích ngành công nghiệp Hàn Quốc, mối quan tâm của Samsung về kế hoạch thâu tóm các đối thủ toàn cầu đang tăng lên sau khi các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác không chấp thuận thương vụ mua lại ARM của Nvidia, vốn có thể là một "thỏa thuận lớn" trong ngành bán dẫn trên thế giới, theo Korea Times.
Các thương vụ mua lại quy mô lớn đã giảm xuống khi các quốc gia trên thế giới thể hiện sự phản đối với lý do lo ngại về vấn đề độc quyền. Các nhà phân tích cho biết, điều này được cho là sẽ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch mở rộng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung Electronics bằng cách mua lại các công ty nhỏ hơn. Samsung Electronics được cho là đã tích lũy được khoảng 106.000 tỷ won tiền mặt tính đến tháng 12 năm ngoái.
"Không chỉ mỗi Samsung gặp khó trong khi tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A) mà điều này còn đúng với ngành bán dẫn toàn cầu. SK hynix đã may mắn được chấp thuận vào năm ngoái, nhưng hiện nay các quốc gia và công ty đang phản đối gay gắt nên tôi nghĩ sẽ có nhiều khó khăn khi các công ty thực hiện M&A trong tương lai", Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Công nghiệp & Thương mại Hàn Quốc cho biết.
Tuần trước, Taiwan Global Wafers đã thất bại trong cuộc đấu thầu mua Siltronic của Đức do sự phản đối của chính phủ Đức. Tháng 3/2021, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã không chấp thuận vụ đấu thầu được thực hiện bởi U.S. Applied Materials để mua lại công ty Điện Kokusai của Nhật Bản. SK hynix cũng nhận được sự chấp thuận, nhưng có điều kiện từ các cơ quan chức năng Trung Quốc sau hơn một năm chờ đợi để mua lại bộ phận NAND Flash của Intel.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu nổ ra, ngày càng có nhiều cảnh giác đối với các công ty hoặc quốc gia cụ thể đang có được vị thế thống trị trên thị trường chất bán dẫn toàn cầu.
Samsung Electronics, công ty đặt mục tiêu trở thành số 1 trong lĩnh vực bán dẫn hệ thống vào năm 2030, dự kiến sẽ tiếp tục mua lại các công ty nhỏ hơn và có dự đoán rằng họ sẽ đấu thầu các công ty bán dẫn ô tô như Infineon của Đức hay NXP của Hà Lan. Tuy nhiên, vì các cơ quan chống độc quyền đang áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, có khả năng Samsung Electronics sẽ gặp phải một bức tường trong việc theo đuổi các thương vụ này.
Cũng có những lo ngại rằng các điều kiện M&A có thể trở nên khắt khe hơn trong lĩnh vực kinh doanh bán dẫn hệ thống do các cuộc kiểm tra từ các quốc gia lớn lo ngại về tầm ảnh hưởng quá mức của Samsung Electronics trong thị trường bán dẫn nói chung.
Một quan chức của Samsung Electronics cho biết: "Hầu hết quốc gia đều đặt mối tương quan giữa chất bán dẫn với an ninh quốc gia nên họ miễn cưỡng chấp thuận việc M&A. Tuy nhiên, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình toàn cầu".
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù tiến hành M&A là một công cụ hữu ích để tăng khả năng cạnh tranh, nhưng Samsung sẽ phải mất nhiều hơn nữa để trở thành công ty bán dẫn hàng đầu thế giới vào năm 2030.
"Các xưởng đúc có khả năng trở thành mối quan tâm chính về các thương vụ M&A của Samsung. Tuy nhiên, vì hiện tại công ty đang đứng ở vị trí thứ hai, nên có một khoảng cách rất lớn giữa Samsung và TSMC.
Dù có M&A quy mô lớn thì Samsung cũng khó đuổi kịp TSMC do thị phần của công ty này lớn gấp 3 lần ông lớn của Hàn Quốc, tức là có sự chênh lệch gấp 3 lần về năng lực sản xuất. Kể cả khi M&A cũng không có nhà máy nào lớn đủ để lấp đầy khoảng trống giữa hai bên", ông Kim Yang-paeng khẳng định.