Thương mại toàn cầu đang dần phục hồi?
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO cho biết thương mại toàn cầu sẽ suy giảm ít hơn dự báo trong năm nay, từ mức dự báo giảm 12,9% trước đó, hiện được sửa đổi thành 9,2%.
Tuyên bố của WTO nêu rõ: "Thương mại toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu phục hồi từ mức suy giảm sâu do đại dịch COVID-19, song các chuyên gia kinh tế của WTO thận trọng cho rằng mọi sự phục hồi có thể bị đứt quãng bởi tác động của đại dịch hiện nay".
Tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo ở mức 7,2% vào năm tới, thay vì 21,3% như dự báo trước đó.
Theo dự báo của WTO, tăng trưởng tổng sản phẩm GDP toàn cầu sẽ suy giảm 4,8% trong năm 2020 trước khi tăng 4,9% vào năm 2021, nhưng "còn tùy vào các biện pháp chính sách và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh".
Sự tái bùng phát dịch kéo theo các lệnh phong tỏa mới có thể làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu từ 2-3 điểm phần trăm và "cướp đi" 4 điểm phần trăm tăng trưởng trong thương mại hàng hóa năm 2021.
Theo WTO, việc nhanh chóng bào chế loại vaccine hiệu quả ngừa COVID-19 có thể làm tăng niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng 1-2 điểm phần trăm vào năm 2021 và sẽ tăng thêm 3 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng thương mại.
Trong khi đó, theo báo cáo "10.000 tỉ USD cho thương mại mở" được các chuyên gia Boston Consulting Group và HSBC soạn thảo, gửi lên chính phủ các nước G20, nền kinh tế toàn cầu có thể hụt mất 10.000 tỉ USD vào năm 2025 nếu các chính phủ không bãi bỏ hoặc giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đang cản đường thương mại hàng hóa.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh 2 kịch bản về dòng chảy hàng hóa giữa các nước G20.
Cụ thể, ở kịch bản thứ nhất (kịch bản thương mại mở), hoạt động thương mại được duy trì với độ mở cao và dựa trên các quy tắc.
Tại kịch bản thứ hai (kịch bản thương mại bảo hộ), hạn chế thương mại được đẩy lên mức tối đa, trong đó có việc tăng các mức thuế quan bình quân trên toàn cầu và tiếp tục áp thuế quan liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, trong năm đầu tiên, cả hai kịch bản đều có tác động kinh tế tương tự nhau, nhưng sau đó chúng bắt đầu chuyển hướng.
Theo kịch bản bảo hộ, giá trị hàng hóa giao dịch và GDP đều chững lại, trong khi ở kịch bản thương mại mở, giá trị thương mại tăng từ 2-2,6 điểm phần trăm mỗi năm, kích GDP tăng trưởng từ 1,8-2,3 điểm phần trăm mỗi năm. Kết quả nghiên cứu trên chỉ mới căn cứ vào thương mại hàng hóa.
Nếu bao gồm cả thương mại dịch vụ, tác dụng của việc nới lỏng các hạn chế thương mại sẽ cao hơn.
Theo WTO, các biện pháp hạn chế nhập khẩu được áp dụng từ năm 2019 mà vẫn còn hiệu lực có tác động đến khoảng 10,3% giá trị nhập khẩu của các nước G20, tương đương khoảng 1.600 tỉ USD.