|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại toàn cầu vẫn tăng trưởng bất chấp đại dịch

06:59 | 11/08/2021
Chia sẻ
Nhận xét về mức độ tăng trưởng của các nền kinh tế trong đại dịch, tờ Le Monde cho rằng quá trình phục hồi thương mại thế giới đã mang lại lợi ích cho một số ít quốc gia.

Theo số liệu công bố hồi cuối tháng Bảy của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), xuất khẩu của châu Á trong quý đầu năm 2021 đã tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức kỷ lục nếu so với tỷ lệ trung bình của thế giới là 4,3%. 

Châu lục này đang được hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu của toàn thế giới đối với hàng hóa gia công. Điều này phần nào bù đắp cho việc ngừng chi tiêu đột ngột cho các hoạt động giải trí hoặc du lịch do đại dịch.

Trong tiến trình phục hồi kinh tế hiện nay, Trung Quốc, cường quốc thứ hai trên thế giới, đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của xuất khẩu, do nhu cầu đối với các sản phẩm gia công ngày càng tăng. 

Thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu thế giới tăng từ 16,6% ở quý IV/2019 lên 18% quý I/2021. Mức độ tăng trưởng của nước này đang vượt trước cả các nước và các khu vực phát triển như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Gần 1/4 hàng hóa nhập khẩu của châu Âu hiện nay là từ Trung Quốc.

Theo quan sát của WTO, nếu so sánh với giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009, trao đổi thương mại toàn cầu dường như vẫn cầm cự tốt hơn trong đại dịch. Trong đại dịch COVID-19, chỉ sau 1 năm thương mại đã phục hồi, trong khi ở thời kỳ khủng hoảng tài chính trước kia, khoảng thời gian này là 2 năm. Điều này chứng tỏ thương mại đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Nhu cầu về thiết bị điện tử trên toàn thế giới gia tăng một cách đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh và giãn cách xã hội. Mỹ đã phải chứng kiến tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước này tăng vọt bất chấp cuộc “chiến tranh lạnh” về công nghệ giữa hai nước cũng như việc Washington bổ sung nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại.

Loại hàng hóa tăng trưởng nhanh nhất là hàng dệt may với chỉ số xuất khẩu tăng 16% vào năm 2020, do nhu cầu rất cao của thế giới về khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân. Tỷ trọng hàng hóa y tế trong thương mại toàn cầu cũng tăng từ 5,3% năm 2019 lên 6,6% năm 2020. Trong khi đó, lĩnh vực ô tô lại là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng, đã phải chấp nhận mức sụt giảm thương mại 16,4% trong năm 2020.

Trong khi châu Âu, Trung Mỹ và Nam Mỹ đã quay trở lại với chỉ số xuất khẩu trước đại dịch, thì điều này vẫn còn là niềm mơ ước đối với các nước ở Trung Đông và châu Phi. Xuất khẩu của các nước thuộc khu vực này đã giảm từ 8,4% xuống 4,6% trong vòng một năm.

Trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh, y tế và xã hội lần này, các nước kém phát triển luôn là những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất. Xuất khẩu hàng hóa của các nước này giảm 12% vào năm 2020, so với mức trung bình 9% trên toàn cầu, và xuất khẩu dịch vụ thậm chí giảm 35% do du lịch bị đình trệ.

Thu Hà

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.