Thương chiến Mỹ - Trung và tác động đến Việt Nam
Giai đoạn căng thẳng mới
Ngày 5/8/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo xếp Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Sau 25 năm, Washington một lần nữa đưa Bắc Kinh vào danh sách nước thao túng tiền tệ, trong bối cuộc cảnh thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang căng thẳng. Động thái này nhằm đáp trả cáo buộc từ Mỹ rằng Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Đây cũng được coi là câu trả lời của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thêm thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh, theo SCMP. Sau động thái hạ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.
Thêm vào đó, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố dừng nhập khẩu nông sản Mỹ và cân nhắc có thể sẽ áp thuế lên sản phẩm nông nghiệp từ Washington từ ngày 3/8.
Tất cả đều bắt nguồn từ việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thêm một đòn nặng trong cuộc chiến tranh mậu dịch đã kéo dài 13 tháng. Từ 1/9 này, Mỹ sẽ áp thuế 10% trên 300 tỷ USD hàng nhập cảng từ Trung Quốc; sau khi đã đánh 25% trên 250 tỷ.
Coi như tất cả hàng nhập cảng từ Trung Quốc qua Mỹ sẽ bị đánh thuế. Đợt thuế quan đánh trên 250 tỷ USD trước đây chỉ mới áp dụng từ giữa tháng 6, cho nên chưa thấy ảnh hưởng nặng.
Gần đây, GDP Trung Quốc vẫn tăng với tốc độ 6.2%, nhưng lần này chắc sẽ ảnh hưởng mạnh hơn. Sau khi nghe thông điệp qua Twitter của Tổng thống Trump, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa.
Chỉ sau quyết định của Trump một hôm, ngày 2/8/2019, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng “nghênh chiến”, đấu tranh chống lại Tổng thống Donald Trump.
Tân đại sứ của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Trương Quân, nói Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của mình và mô tả thẳng thừng rằng hành động của ông Trump là một hành động phi lý, vô trách nhiệm. “Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng rằng nếu Mỹ muốn đàm, thì chúng tôi sẽ đàm, nếu họ muốn chiến, thì chúng tôi sẽ chiến,” nhà ngoại giao của Trung Quốc nói với các phóng viên ở New York.
Để trả đũa đợt tấn công 250 tỷ USD lần trước Bắc Kinh đã đánh thuế quan trên 110 tỷ USD hàng mua từ Mỹ. Bây giờ họ chỉ còn 10 tỷ USD hàng hóa Mỹ để đánh thuế trong khi Mỹ sắp tấn công trên số hàng 300 tỷ USD.
Trung Quốc có thể sẽ ngưng mua 478 chiếc máy bay 737 MAX của Boeing mà chính hãng này đang phải ngưng bán để thay đổi hệ thống điều khiển sau hai tai nạn lớn. Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách gây khó khăn cho các công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc.
Nhưng muốn làm được cũng không dễ. Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, cần đầu tư của nước ngoài. Các công ty Mỹ đang hoạt động trong lục địa sử dụng hơn hai triệu công nhân, con số nhỏ nhưng tất cả là những công việc trả lương cao.
Một đòn trả đũa khác mà Bắc Kinh đang tung ra là kêu gọi dân Trung Hoa tẩy chay hàng Mỹ có vẻ thành công. Các mạng xã hội trong giới trẻ hưởng ứng những lời lẽ kích thích chủ nghĩa dân tộc, tẩy chay iPhone của Apple để mua điện thoại của Huawei, không mua đồ thể thao của Nike mà mua Adidas của Đức.
Nhưng trong khi ông Trump lo chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu năm 2020 thì ông Tập Cận Bình không bị một giới hạn thời gian nào cả. Các báo, đài Trung Quốc đều phản ảnh quan điểm của Tân Hoa Xã, nói rằng không thể kết thúc sớm các tranh chấp thương mại với Mỹ, hai bên đều cần kiên nhẫn.
Trong khi chờ đợi, ông Trump chịu những áp lực từ nhiều phía. Kinh tế thế giới sẽ suy yếu nếu chiến tranh mậu dịch kéo dài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tính rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm GDP cả thế giới hụt bớt 0.7% so với tình trạng không chiến tranh, tức là mất khoảng 6.000 tỷ USD. Kinh tế Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng dù nhẹ hơn nhưng sẽ rất phiền trong một năm bầu cử.
Ngay sau khi Tổng thống Trump công bố ý định tăng thuế quan đợt mới, thị trường chứng khoán cả thế giới đi xuống. Chỉ số S&P 500 ở Mỹ mất 0.8%, Dow Jones Industrial Average mất 0.7%; cả hai tụt mất 2.8% trong cả tuần lễ.
Nguyên nhân chính là những lời đe dọa “đánh” của Tổng thống Trump, vì thị trường đã đi xuống sau khi FED cắt lãi suất và sau khi các thống kê kinh tế mới công bố đều tốt đẹp. Thêm 164.000 công việc làm mới trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn chỉ có 3.7%.
Tác động đến Việt Nam
Trong thời gian một năm từ quý I/2018 đến quý I/2019, việc đánh c đã chuyển hướng nhập khẩu vào các nước này từ các nước thứ ba.
Theo công ty chứng khoán Nhật Nomura (“Exploring US and China Trade Diversion”, 3/6/2019), Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất vì đã tăng xuất khẩu sang Mỹ, thay thế cho một số mặt hàng Trung Quốc bị thuế như hàng điện tử, máy móc, đồ gỗ, giầy da và dệt may... ước tính lên tới 7,9% của GDP (so với 2,1% cho Đài Loan là nước được lợi thứ nhì).
Một cách cụ thế, trong 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ giảm nhập từ Trung Quốc gần 12,3% nhưng tăng nhập từ Việt Nam 36% (lên 25,8 tỷ USD).
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tăng xuất sang Mỹ và tăng lượng FDI có lợi cho Việt Nam, tuy nhiên cái lợi này cần được đánh giá đúng mức trong tổng thể phát triển kinh tế Việt Nam. Dưới đây là một số vấn đề rủi ro cần được lưu ý.
Thứ nhất, tăng xuất sang Mỹ thì cũng phải tăng nhập nguyên liệu và trung phẩm đầu vào (intermediate inputs) như link kiện, phụ tùng... Do đó, Việt Nam tăng nhập rất nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thêm nữa, Việt Nam cũng giảm xuất trung phẩm đầu vào sang Trung Quốc, vì Trung Quốc giảm sản xuất các mặt hàng bị đánh thuế. Các loại hàng trung phẩm này chiếm gần một nửa tổng xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc. Xuất từ Việt Nam sang các nước khác cũng chậm lại, vì tình trạng bất ổn trong quan hệ thương mại quốc tế.
Tính chung, tổng xuất từ Việt Nam là 122,71 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019 và tổng nhập là 122,76 tỷ USD, gây ra nhập siêu 43 triệu, so với xuất siêu 2,7 tỷ USD trong nửa năm đầu 2018.
Chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu trong thời gian vừa qua có nghĩa là xuất ròng (net export) giảm đi, làm chậm bớt tăng trưởng kinh tế. GDP tăng 6,76% trong nửa năm đầu 2019, chậm đi so với 7,1% trong năm 2018. Theo cách tính này, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không giúp ích cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, cần đề phòng khả năng Trung Quốc dùng Việt Nam làm nước trung chuyển để xuất hàng của mình qua Mỹ dưới nhãn hiệu “Made in Vietnam” để tránh thuế. Điều này có thể xảy ra qua việc tái xuất hàng nhập từ Trung Quốc, một cách chính thức hay không chính thức.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng hàng máy và linh kiện điện tử, máy móc nói chung nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với sự kiện tăng xuất các loại hàng này sang Mỹ.
Thí dụ cụ thể hơn: trong 4 tháng đầu năm 2019, số lượng điện thoại di động (cell phones) Mỹ nhập từ Trung Quốc giảm 5,8 tỷ USD hay 27% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập từ Việt Nam tăng 3,6 tỷ USD hay 177%.
Điều này đã gây sự chú ý từ phía Mỹ. Việt Nam cũng đã phát hiện một số trường hợp hàng Trung Quốc mang nhãn hiệu Việt Nam lậu. Nói chung, Mỹ rất quan tâm đến việc Trung Quốc tìm cách tái xuất để tránh thuế —cụ thể là qua Việt Nam, Malaysia, Philippin và Cambodia. Việt Nam cần theo dõi để bảo đảm hàng xuất từ Việt Nam có đủ hàm lượng địa phương (local content) cần thiết.
Thứ ba, tăng xuất sang Mỹ có nghĩa là tăng xuất siêu đối với Mỹ—từ 39 tỷ USD trong năm 2018 lên 52 tỷ USD (ước tính cho cả năm 2019). Tăng xuất siêu nhanh có thể gây ra phản ứng từ Mỹ.
Ngày 2/7/2019 vừa qua, Mỹ đã đánh thuế lên đến 456% trên hàng thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sau khi Bộ Thương mại Mỹ kết luận rằng trong các mặt hàng này, hàm lượng của Hàn Quốc và Đài Loan rất cao trong khi giá trị gia tăng từ Việt Nam rất thấp. (Mỹ đã đánh thuế nhập khẩu đối với Hàn Quốc (12/2015) và Đài Loan (2/2016)—từ đó đến 4/2019, lượng nhập thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam tăng 332% và 916%).
Ngoài ra, tăng xuất siêu là một yếu tố để Mỹ đánh giá nước đối tác có thao túng tỷ giá hối đoái để chiếm lợi thế khi xuất khẩu sang Mỹ. Trong báo cáo về thao túng ngoại tệ của Bộ Tài chính Mỹ tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã được xếp vào diện 9 nước “phải theo dõi”.
Thứ tư, Mỹ đang rất chú ý đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam cần phải có chính sách và luật pháp rõ ràng về quyền sở hữu trí tuệ để tránh biện pháp trả đũa của Mỹ.
Nói tóm lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như tình trạng căng thẳng trong quan hệ thương mại quốc tế, tuy có mang lại vài lợi ích trước mắt nhưng hàm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro. Việt Nam cần có biện pháp đối phó trong các tình huống kể trên.