|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương chiến Mỹ-Trung sẽ 'bức tử' doanh nghiệp nhỏ

10:37 | 09/09/2019
Chia sẻ
Các doanh nghiệp nhỏ đang thấm thía tác hại của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và không ít trong số đó đã phải đóng cửa vì những “đòn roi” của cuộc chiến.
Thương chiến Mỹ-Trung sẽ 'bức tử' doanh nghiệp nhỏ - Ảnh 1.

Brian Riley (ngoài cùng bên phải), CEO của hãng xe đạp Guardian Bikes trong chương trình "Shark Tank". Ảnh: Shark Tank/ABC

Đây là nhận định của ông Brian Riley, CEO kiêm người sáng lập hãng sản xuất xe đạp Guardian Bikes (Mỹ) trên chương trình “Closing Bell” mới đây của Đài CNBC.

Riley cho hay, sở dĩ Guardian Bikes có thể sóng sót sau những tác động của thương chiến Mỹ - Trung bởi công ty này đã có chút sức mạnh để tự định giá sản phẩm sau các đòn thuế quan của Mỹ lên hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn làm được điều đó, vị CEO nói thêm.

“Nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không đủ sức quyết định giá bán sản phẩm và bị loại khỏi “cuộc chơi” do gọng kìm thuế quan,” ông Riley cho hay.

Guardian Bikes vẫn chi trả ổn định mức thuế 11% cho các sản phẩm của mình thời điểm trước tháng 9/2018, kể cả sau khi Mỹ tăng mức thuế bổ sung từ 10% lên 25% đối với hàng Trung Quốc từ tháng 5/2019.

Để tồn tại được, hãng xe đạp này đã phải tăng giá 10% do thuế và các chi phí khác tăng. Ngoài ra, công ty cũng phải cắt giảm tuyển dụng và đầu tư vào đổi mới sáng tạo.

Guardian Bikes đạt mức tăng trưởng 300% mỗi năm. “Khi hoạt động kinh doanh phát triển nhanh chóng, thách thức lớn nhất là lập kế hoạch kinh doanh và kế hoạch dòng tiền. Trong đó, hàng tồn kho và chi phí sản xuất là hai yếu tố quan trọng nhất khi lập kế hoạch dòng tiền,” Riley chia sẻ.

Hãng xe đạp Mỹ đã rất thận trọng với kế hoạch tuyển dụng và rót vốn vào các hoạt động như đổi mới sáng tạo, tiếp thị và đẩy mạnh tăng trưởng... để đảm bảo cân đối kế toán và đề phòng rủi ro trước những khoản tăng thêm.

Mỹ và Trung Quốc thống nhất sẽ đàm phán thương mại tại Washington, D.C. vào đầu tháng 10 tới. Trước đó, Mỹ ngày 1/9 đã kích hoạt thu thuế 15% đối với hàng loạt mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ sản phẩm may mặc, giày dép, đến đồ điện tử tiêu dùng và đồ chơi.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng dự kiến áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính xách tay nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 15/12. Hai đợt thuế quan này sẽ đưa khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vào diện chịu thuế.

Khi tăng thuế lên hàng Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc tìm “đại bản doanh” mới. Trên thực tế, một số công ty đã “đáp lời” và dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận như Việt Nam hoặc Thái Lan.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng rất khó để “gói gém” và dịch chuyển sản xuất do chuỗi cung ứng đang rất tập trung tại Trung Quốc. Và ngành công nghiệp xe đạp thấu hiểu khó khăn này, ông Riley nói.

Vị CEO lý giải thêm, đến 94% xe đạp bán ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc. Đối với Guardian Bikes, công ty này đang làm ăn với 40 đối tác cung ứng 65 bộ phận cần thiết để sản xuất xe đạp Guardian.

Theo CEO của Guardian Bikes, dịch chuyển sản xuất sang quốc gia khác hiện không phải là lựa chọn của doanh nghiệp trong ngành xe đạp, bởi đơn giản điều này sẽ kéo theo dịch chuyển cả chuỗi sản xuất đến nơi khác, sẽ mất nhiều năm và tốn kém hàng triệu USD.

Guardian Bikes có trụ sở tại thành phố Irvine của tiểu bang California, chuyên sản xuất kinh doanh xe đạp cho trẻ em. 

CEO Brian Riley và đồng sự sáng lập Guardian Bikes từng tham gia chương trình truyền hình thực tế “Shark Tank” năm 2017 và may mắn được doanh nhân người Mỹ Mark Cuban rót vốn đầu tư 500.000 USD để đối lấy 15% cổ phần tại Guardian Bikes.

Lê Quân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.