Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành logistics
Ban tổ chức điều hành hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Sự kiện này do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) và các hội nghị liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Theo đánh giá của các chuyên gia, logistics là một ngành quan trọng không thể tách rời của chuỗi giá trị toàn cầu, đây cũng là một trong các ngành dịch vụ có ý nghĩa quan trọng trong thương mại quan trọng trong thương mại quốc tế. Với đặc điểm bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau như tìm kiếm nguồn cung ứng mua sắm, thực hiện đơn đặt hàng, lưu trữ nguyên liệu, lập kế hoạch sản xuất, kiểm soát chi phí hiệt quả, lắp ráp, đóng gói, bảo trì, lưu kho, phân phối… ngành logistics được đánh giá tạo cơ hội to lớn cho sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Việt Nam, mặc dù là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm gần đây và được đánh giá có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển về logistics. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đó.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, thế nhưng có tới 99% là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là rất nhỏ. Sự tham gia của họ vào chuỗi cung ứng toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tuy khá nhiều và đa dạng, song khái niệm về chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của họ còn khá mơ hồ. Những điều này khiến sự tích hợp giữa doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị này còn khá lỏng lẻo, rời rạc.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Chí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tri thức hậu cần cho biết, để thúc đẩy ngành logistics phát triển, Việt Nam đã có những chương trình, kế hoạch hành động quốc gia. Đơn cử như kế hoạch hành động quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Tuy vậy, trên thực tế việc thực hiện chương trình này, từ chính sách quốc gia đến hành động của từng ngành, doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách rất lớn.
Theo ông Dũng, logistics bao gồm nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu là mảng vận tải và lưu trữ. Việc quản lý như thế nào để vận tải và lưu trữ gắn kết được làm cho dòng hàng hóa lưu chuyển nhanh và rẻ, nghĩa là đưa ra dịch vụ tốt nhất với chi phí thấp đang là vấn đề lớn của ngành. Một trong những điểm yếu nhất hiện nay của ngành là khâu kế hoạch khó xác định trước, các hãng tàu không thể biết được họ có thể đưa con tàu nào; có thể vào cảng nào của Việt Nam; có thể đưa bao nhiêu chuyến; sản lượng như thế nào?… Ngay từ khâu lên kế hoạch đã vướng thì những khâu tiếp theo khó có thể trôi chảy. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa ra giá dịch vụ, phí dự phòng cao, độ chính xác ngày càng sai lệch làm cho thời gian giải quyết lâu hơn.
Không chỉ riêng Việt Nam, một số nền kinh tế khác trong khu vực APEC cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành logistics trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bà Corazon C.Curay, Giám đốc điều hành Công ty XVC Logistics, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Quản lý chuỗi cung ứng Philippines chia sẻ, ngoài những thách thức cơ bản của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp Philippines còn gặp nhiều khó khăn từ những tác động khách quan.
Theo bà Corazon C.Curay, Philippines là một quốc gia dễ bị thiên tai nên việc phát triển ngành logistics luôn gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng cơ sở, các nguồn lực phát triển để phục vụ cho ngành logistics ở Philippines còn khá nghèo nàn. Những vấn đề này cần sự vào cuộc của Chính phủ, ban hành các chính sách thúc đẩy ngành phát triển. Các doanh nghiệp Philippines cũng hy vọng APEC có thể đưa ra những sáng kiến để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành logistics.
Trước thực tế còn nhiều khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nền kinh tế thành viên APEC, Hàn Quốc và Peru đã khởi xướng sáng kiến tổ chức hội thảo này trong khuôn khổ SOM 3, nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành logistics. Sáng kiến này ngay lập tức đã nhận được nhiều đề nghị tham gia của các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong thập kỷ vừa qua, APEC đã có nhiều nỗ lực hiện thực hóa ưu tiên về hợp tác kinh tế và kỹ thuật trong khu vực thành các hoạt động cụ thể nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua đưa việc chương trình nghị sự APEC các vấn đề, xu hướng đang được quan tâm và có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh. Trong số đó, việc phát triển và hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi đã trở thành một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC.
Tại hội thảo này, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và các thông lệ tốt cũng như đề xuất các hoạt động tạo thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành dịch vụ nói chung cũng như logistics nói riêng. Được biết, các kết quả chính của hội thảo sẽ được báo cáo lên Ủy ban Thương mại và Đầu tư của APEC (CTI) và Nhóm Công tác APEC về doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEWG) để cân nhắc và xem xét các hoạt động tiếp theo trong thời gian tới.