Thủ tướng yêu cầu xử lí ngay các kiến nghị, không làm mất thời cơ kinh doanh của DN
Sáng nay (9/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "COVID là một đại dịch nhưng là cơ hội của Việt Nam nếu biết tổ chức quản lí nhà nước tốt, nếu biết kinh doanh tốt và hợp tác tốt."
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: "Nhân tố doanh nghiệp giữ vị trí chủ chốt trên mặt trận kinh tế từ tăng trưởng, giải quyết việc làm đến thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kĩ thuật."
Từ đó, Thủ tướng đặt ra ba yêu cầu đối với doanh nghiệp: một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển.
Thứa hai, các doanh nghiệp phải được tái cơ cấu trong trình độ phát triển để phát triển bền vững.
Yêu cầu cuối cùng là các cấp các ngành và đặc biệt là các doanh nghiệp cần áp dụng mạnh khoa học công nghệ nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển để nâng cao năng suất.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khó khăn hai, chúng ta phải cố gắng ba, nhất là trong lúc đại dịch COVID-19 còn lưu lại đâu đó ở xung quanh các nước gần Việt Nam", Thủ tướng cho hay.
Xử lí nhanh các kiến nghị của doanh nghiệp
Thủ tướng cũng tống kết các ý lớn trong đề xuất của các doanh nghiệp, bao gồm: Cải thiện kiểm soát, tăng cường hậu kiểm; làm nhanh các thủ tục, tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển; đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động rất lớn bởi đại dịch; quan tâm xử lí kiến nghị doanh nghiệp nhanh hơn thuận lợi hơn; không được đổ qua đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp...
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả doanh nghiệp đang chờ đợi tiếng nói giải quyết nhanh của cơ quan nhà nước (CQNN) đặc biệt là các địa phương cần tháo gỡ cho DN. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lí nhanh các kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp."
Bên cạnh các chương trình hành động, các doanh nghiệp cũng yêu cầu CQNN cần tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp; hợp tác hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là trong chính sách tiền tệ, tài khóa, đặc biệt là giảm lãi suất, giảm nhóm vay, giảm chi phí.
Cuối cùng, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ vĩ mô đó là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam.
"Đối với doanh nghiệp, cũng như đối với nhà nước, cần phải giữ ba thứ hiện nay: Giữ lao động, giữ thị trường, giữ danh dự bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới trung thực và quyết tâm phát triển doanh nghiệp, bất kể loại hình doanh nghiệp nào", Thủ tướng khẳng định.