|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng đề nghị hoãn tăng lương cơ sở và lương hưu từ 1/7

11:46 | 20/05/2020
Chia sẻ
Tại phiên khai mạc kì họp thứ 9 sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết do tác động của dịch COVID-19, đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu từ 1/7 để có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng nay 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới.

Theo Thủ tướng, so với cuối năm 2019 tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều do tác động bởi dịch COVID-19. Để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ ngày 1/7/2020.

Thủ tướng đề nghị hoãn tăng lương cơ sở và lương hưu từ 1/7 - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc kì họp Quốc hội thứ 9 sáng nay 20/5. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kì họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).

Bên cạnh việc hoãn tăng lương, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

Cụ thể, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020.

Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Chính phủ cũng đề nghị xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 sang năm 2021, trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế.

Dù vậy, theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn có những thời cơ mới mở ra sau đại dịch khi làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc đã bắt đầu. Trong đó, Việt Nam có thể là một trong những điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia.

Việc này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia gắn với chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Đồng thời, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân. Việc này giúp từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính hệ thống và năng lực cốt lõi, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.

K.Hà

Mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% có khả thi?
Theo TS, Võ Trí Thành, mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 12% trong năm 2025 là không dễ dàng khi những đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu dự báo là tăng trưởng thấp hơn năm 2024. Đặc biệt, những chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể cản trở mạnh mẽ đến gia tăng thương mại toàn cầu thế giới, trong đó có Việt Nam.