Chính phủ đề xuất điều chỉnh loạt chỉ tiêu về tăng trưởng, thu chi ngân sách, bội chi, nợ công
Phát biểu tại buổi khai mạc Kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội của toàn cầu và Việt Nam.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch, văn hóa... và đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu: hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá...
Trước những khó khăn đó, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các cấp tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, bước đầu Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Các giải pháp ứng phó của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao.
Giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quí I của Việt Nam vẫn đạt khoảng 3,82%; đời sống người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế...
Đánh giá tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kì họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch COVID-19 đã tác động rất mạnh tới tất cả ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.
So với thời điểm cuối năm 2019, Thủ tướng nhìn nhận, tình hình có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
"Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, thu - chi ngân sách, bội chi, nợ công... Các chỉ tiêu cụ thể sẽ được Chính phủ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Kiến nghị này Chính phủ đưa ra trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng kinh tế xã hội, phân tích, đánh giá kĩ các chỉ tiêu, cân đối lớn của kinh tế vĩ mô.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng, Chính phủ cần đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020. Các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội trong ngắn hạn, dài hạn trong đó có kịch bản dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh năm 2020.
"Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả của dịch COVID-19 phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kĩ khả năng hấp thụ nền kinh tế", ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đánh giá.