Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật chăn nuôi rất quan trọng khi dịch tả heo châu Phi đang phức tạp
Ngày 16/5 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá đây là Nghị định rất quan trọng trong bối cảnh tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết Nghị định sẽ được ban hành trong tháng 10/2019 để đến 1/1/2020, Luật Chăn nuôi có hiệu lực đảm bảo sẽ được triển khai đồng bộ ngay.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 31 điều, cùng 7 phụ lục và 16 biểu mẫu qui định chi tiết các nội dung của Luật Chăn nuôi. Trong đó, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến công tác quản lí thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, các qui định về chăn nuôi có điều kiện, cần phải được nghiên cứu, xem xét kỹ càng hơn và dễ hiểu, dễ áp dụng hơn để các địa phương thuận tiện trong triển khai.
Bên cạnh đó, việc xác định mật độ chăn nuôi theo các vùng sinh thái cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.
Cụ thể, tại các tỉnh miền núi, vùng đang có mật độ chăn nuôi thấp cần được điều chỉnh lên mức cao hơn như Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ..., đồng thời giảm mật độ ở các khu vực đã có áp lực lớn về chăn nuôi như vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ.
Cần nghiên cứu lại qui mô xác định hộ chăn nuôi bao nhiêu là ở qui mô lớn, buộc phải đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị ngày 16/5. Ảnh: Bộ NN&PTNT.
Trong khi đó, về quản lý thức ăn chăn nuôi trong Dự thảo qui định chi tiết 4/10 điều kiện sản xuất; việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; qui định trình tự kiểm tra nhà nước, việc miễn kiểm tra và giám sát lô hàng được miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu...
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra cách thức, nội dung kiểm tra, đánh giá về điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi chi tiết, với các mẫu biên bản kiểm tra và hướng dẫn các nội dung kiểm tra theo qui định của Luật Chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về ngày tuổi đối với từng loại gia súc, gia cầm non (đối tượng vật nuôi chính thường sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp) được sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh để phòng bệnh.
Ngoài ra, các qui định cụ thể về chế độ kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất và lưu hành; kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu... cũng được Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết.
Về điều kiện chăn nuôi, dự thảo nêu rõ về qui mô, mật độ đối với các vùng sinh thái; việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại qui mô lớn; việc quản lý nuôi chim yến, nuôi hươu sao; danh mục động vật khác được phép chăn nuôi; nhập khẩu vật nuôi sống và sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm xử lí chất thải…
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi được đánh giá rất quan trọng trong tình hình dịch tả heo châu Phi đang phức tạp.
Theo đó, với Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhất trí về việc cần tiếp tục nghiên cứu về một số nhóm nội dung như mật độ chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi...
Cục Chăn nuôi cần lắng nghe, ghi nhận và cân nhắc tiếp thu kĩ lưỡng mọi ý kiến góp ý để khi nghị định được ban hành, Luật Chăn nuôi có hiệu lực phải có hiệu quả, đi vào cuộc sống, thúc đẩy sản xuất, ngành chăn nuôi phát triển bền vững, Thứ thưởng nhấn mạnh.
Luật Chăn nuôi đã được thông qua tại kì họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Luật Chăn nuôi đánh dấu một bước tiến mới tạo khung pháp lý cho ngành chăn nuôi.
Luật có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước và hội nhập quốc tế; quản lý chăn nuôi theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi đến thị trường; chú trọng đến vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Luật cũng xã hội hóa một số dịch vụ công, đa dạng cách thức thực hiện thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ.
"Luật Chăn nuôi ra đời là quá trình soạn thảo, lấy ý kiến rất nghiêm túc, rộng rãi, kĩ lưỡng của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức liên quan", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá.