|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đồng Nai bùng phát ổ dịch tả heo châu Phi thứ 5

16:49 | 15/05/2019
Chia sẻ
Là địa phương bị dịch tả heo châu Phi xâm chiếm của khu vực miền Nam, Đồng Nai đã ghi nhận 5 ổ dịch trên địa bàn của 3 huyện chỉ trong khoảng 10 ngày công bố có dịch.

Phát hiện thêm một ổ dịch AFS tại hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương này vừa phát hiện thêm một ổ dịch tả heo châu Phi (ASF) mới tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu.

Cụ thể, theo Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, kết quả xét nghiệm mẫu heo tại một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu đã cho kết quả dương tính với virus ASF.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, huyện Vĩnh Cửu đã khoanh vùng dịch, tiêu hủy toàn bộ 63 con heo tại trại nuôi này. Đồng thời, tiến hành tiêu độc, khử trùng tại trang trại của gia đình có heo mắc bệnh và vùng lân cận. 

Huyện Vĩnh Cửu cũng đang triển khai tiêu độc, khử trùng tại các chợ, cơ sở giết mổ với tần suất mỗi ngày 1 lần và thành lập 7 chốt kiểm dịch động vật tạm thời, kiểm soát tất cả heo ra, vào huyện.

Đồng Nai bùng phát ổ dịch tả heo châu Phi thứ 5 - Ảnh 1.

Đồng Nai đã tiêu hủy 870 con heo nhiễm bệnh.

Như vậy, đến thời điểm này (ngày 14/5), trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi nhiễm dịch ASF đầu tiên của miền Nam đã xuất hiện 5 ổ dịch tại 5 xã gồm Đồi 61, Bình Minh (huyện Trảng Bom); Phước Thiền, Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) và Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Trong đó, xã Tân Bình là nơi phát sinh ổ dịch mới nhất.

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, kể từ khi bùng phát dịch, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 870 con heo nhiễm bệnh tại các ổ dịch trên địa bàn tỉnh.

Hai nguyên nhân chính làm bùng phát dịch

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tại các xã thuộc huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch, dịch cơ bản đã được khống chế, khoảng 3 tuần qua chưa phát hiện thêm ổ dịch mới.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, cho biết qua khảo sát tại 5 ổ dịch, cơ quan chức năng đã xác định 2 nguyên nhân chính gây bệnh dịch là do quá trình vận chuyển và sử dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho heo. 

“Tại 1 ổ dịch ở huyện Nhơn Trạch, đàn heo lai rừng bị nhiễm ASF được xác định là do sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn. Trong khi đó, tại ổ dịch ở xã Bình Minh huyện Trảng Bom), nguyên nhân gây bệnh là do phương tiện vận chuyển từ lò mổ đi vào trại nuôi”, ông Quang cho hay.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh cho thấy, hiện trại nuôi bị nhiễm dịch có tổng đàn lớn nhất là hộ nuôi ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom với qui mô 417 con heo. Các hộ còn lại quy mô đàn nuôi đều dưới 300 con.

Theo đó, với các nguyên nhân lây lan dịch bệnh nói trên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm dịch rất cao.

“5 ổ dịch hiện tại được phát hiện đều ở qui mô gia đình. Trong khi đó, đối với các trại nuôi của doanh nghiệp việc kiểm soát người, phương tiện ra vào trại thực hiện nghiêm ngặt nên ít nguy cơ hơn. Ngoài ra, các trại nuôi của doanh nghiệp cũng không sử dụng thức ăn dư thừa để cho heo ăn”, ông Quang cho biết thêm.

Đồng Nai bùng phát ổ dịch tả heo châu Phi thứ 5 - Ảnh 2.

Nguy cơ nhiễm dịch bệnh của heo tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất cao.

Xin không hỗ trợ doanh nghiệp có tổng đàn lớn

Theo thống kê, hiện tổng đàn heo của Đồng Nai có khoảng 2 triệu con, trong số này có 25% thuộc quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, 75% tổng đàn là chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp chăn nuôi.

Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, Đồng Nai có tổng đàn heo lớn, nếu tính thiệt hại trên tổng đàn thì mức hỗ trợ có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng, địa phương không thể cân đối được nguồn kinh phí. 

Do đó, tại cuộc họp trực tuyến do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cùng các bộ, ngành và 63 tỉnh thành trong cả nước để chỉ đạo công tác phòng chống dịch ASF, tỉnh này xin cơ chế không hỗ trợ cho doanh nghiệp có tổng đàn lớn.

Hiện tại, Đồng Nai áp dụng Quyết định quy định tạm thời về cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh được ban hành hồi tháng 4.

Quy định này đưa ra 5 mức hỗ trợ như sau: heo con theo mẹ: 300.000 đồng/con; heo cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi: 500.000 đồng/con; heo thịt từ 2 - 4 tháng tuổi: 2 triệu đồng/con; heo thịt, heo giống hậu bị trên 4 tháng tuổi: 3 triệu đồng/con. Riêng mỗi con heo nái, heo đực giống đang khai thác sẽ nhận mức hỗ trợ cao nhất là 4,5 triệu đồng/con.

Như Huỳnh