Sợ các NĐT condotel khác bị ảnh hưởng từ vụ Cocobay 'vỡ trận', ông chủ Empire Group gửi lời xin lỗi thông qua Chủ tịch VNREA
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa phối hợp với kênh truyền hình Kinh tế Tài chính VITV tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 năm 2019.
Theo đó, phát biểu tại diễn đàn, liên quan đến loại hình căn hộ du lịch (condotel), ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đã gần 3 năm trôi qua nhưng cho đến nay chưa có một văn bản pháp lí hay qui định nào cho cho loại hình BĐS này, trong khi đã có hàng chục nghìn căn codotel đã được tung ra thị trường.
Nói về vụ việc Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận", Chủ tịch VNREA cho rằng, đây là một trường hợp cá biệt.
"Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Empire Group có chia sẻ với tôi rằng, đây là một việc bất đắc dĩ phải làm nhưng phía doanh nghiệp vẫn muốn công khai minh bạch. Đồng thời, Chủ tịch Empire Group cũng muốn chuyển lời xin lỗi đến các nhà đầu tư condotel khác nếu việc làm này ảnh hưởng đến họ", ông Nam dẫn lời Chủ tịch Empire.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Empire: "Việc vỡ trận Cocobay Đà Nẵng là đương nhiên. Tôi là người dũng cảm thừa nhận sự vỡ trận đó". Ảnh: cocobay.info
Về quan điểm của mình, ông Nam cho rằng, trong những trường hợp như này, condotel không có tội tình gì, bản chất việc thực hiện kinh doanh condotel không có gì là sai.
"Cái không may của Cocobay Đà Nẵng là việc lựa chọn vị trí cũng như định giá tỉ lệ lợi nhuận quá cao, nên định giá vừa phải thôi. Vào thời điểm đó, lãi suát ngân hàng mới chỉ có 6 -7% mà chủ đầu tư cam kết 12% là không có cơ sở. Nó đánh vào lòng tham và sự kém hiểu biết. Nếu thế thì đi gửi tiết kiệm làm gì? ", ông Nam nói.
Cũng theo Chủ tịch VNREA, lợi nhuận cao, lãi suất cao, kì vọng cao thì rủi ro sẽ đến. Ông Nam cho rằng rủi ro này cũng nhẹ nhàng, đề xuất các giải pháp của chủ đầu tư khá đúng mực và cũng có thể thỏa thuận thêm. Bởi vì nhà không mất, tài sản không mất, chỉ có lợi nhuận là giảm đi.
"Tôi cho rằng, với những cam kết từ 8-10%, chủ đầu tư thường phải lấy nguồn từ những dự án khác để bù đắp vào", ông Nam cho hay.
Trước đó, ngày 25/11, Tập đoàn Empire - Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã chính thức phát đi thông báo thừa nhận sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã kí với khách hàng trước đó. Dự án này có qui mô gần 31 ha với 1.591 căn hộ. Tổng mức đầu tư cho dự án 11.000 tỉ đồng.
Nguyên nhân được Chủ tịch Empire Group Nguyễn Đức Thành đưa ra là do việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lí chưa được hoàn thiện, thủ tục tại địa phương có nhiều vướng mắc đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận hành của dự án.
Thiếu cơ sở pháp lí
Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, Condotel và chung cư là hai mô hình hoàn toàn khác hẳn. Trường hợp chủ đầu tư muốn chuyển condotel thành căn hộ chung cư thì chủ đầu tư cũng phải chuyển đổi lại dự án và mô hình quản lí.
Chung cư sẽ hoạt động theo Luật Nhà ở, như vậy chủ đầu tư hầu như sẽ không có quyền thương mại mà thay vào đó, chủ đầu tư phải bàn giao lại cho ban quản trị…Bên cạnh đó, Luật Nhà ở chỉ đơn thuần điều tiết theo góc độ sinh hoạt, còn những vấn đề phân chia lợi nhuận, thuế, chính sách,... phát sinh từ mục đích kinh doanh chưa có hành lang pháp lí hỗ trợ.
"Thêm vào đó, trong trường hợp nhà đầu tư là người nước ngoài thì sẽ bị hạn chế trong việc sử dụng quyền sở hữu nhà", ông Hải cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết thêm, các địa phương như Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc cấp sổ đỏ, quyền sử dụng đất ở, ổn định lâu dài không hình thành đơn vị ở là trái Luật Đất đai.
Căn cứ Luật Đất đai hiện nay chỉ cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp là sở hữu có thời hạn theo thời hạn của dự án.