Cocobay Đà Nẵng: Chưa đến thời kì bảo trì, tái đầu tư mà đã 'vỡ trận' thì cần xem lại năng lực CĐT
Trong thông báo gửi khách hàng, CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (tập đoàn Empire) cho biết chỉ trả lợi nhuận theo cam kết đến ngày 31/12 với các chủ sở hữu condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng do những khó khăn về dòng tiền.
Condotel Cocobay Đà Nẵng thông báo không trả cam kết lợi nhuận từ 31/12. (Ảnh: Văn Luận)
Phía chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng cũng cho biết, việc kinh doanh loại hình sản phẩm bất động sản condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Khung pháp lí chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lí tại địa phương có nhiều vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.
Liên quan đến lợi nhuận cam kết giữa chủ đầu tư với các khách hàng mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng, luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn luật sư TP HCM cho biết, trong cam kết lợi nhuận có 2 vấn đề chính, nếu là thỏa thuận giữa 2 bên thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, trong trường hợp này là cam kết – chủ đầu tư đưa ra một nhận định rất chắc chắn tối thiểu 12% năm.
Khách hàng có thể kiện chủ đầu tư ra tòa vì phá bỏ cam kết lợi nhuận. (Ảnh: Văn Luận)
"Lợi nhuận luôn biến động nên việc cam kết này là thiếu thực tế. Nếu căn cứ vào cam kết lợi nhuận bản thân tôi sẽ lên sàn chứng khoán tìm những công ty có cam kết lợi nhuận, cổ tức và kế hoạch kinh doanh ổn định để đầu tư thay vì đầu tư vào các dự án condotel có cam kết cao", luật sư Phượng cho biết.
Theo luật sư Phượng, hiện có thể thấy, hầu như các dự án condotel đều đưa cho chủ đầu tư hoặc đơn vị thứ 3 quản lí nên dựa trên chiến lược kinh doanh của các đơn vị này để đưa ra cam kết lợi nhuận.
Tuy nhiên, từ câu chuyện Cocobay có thể thấy việc phá vỡ cam kết lợi nhuận tại dự án condotel đã được các chuyên gia cảnh báo cách đây vài năm nhưng tại dự án Cocobay lại diễn ra quá sớm. Do đó, cần phải xem lại năng lực tài chính của chủ đầu tư và đơn vị vận hành đang có vấn đề.
"Dự án này chưa đến thời kì bảo trì, tái đầu tư mà đã phá vỡ cam kết lợi nhuận thì cần phải xem lại năng lực tài chính của chủ đầu tư và những vấn đề liên quan đến dự án", luật sư Phương nhận định.
Ngoài ra, luật sư Trần Đức Phượng cũng cho biết, vào giai đoạn 2016-2017 đầu tư condotel đang làm một xu hướng khi các nhà đầu tư thứ cấp cho rằng vừa được sở hữu condotel vừa được thu lời từ cam kết lợi nhuận. Nhưng đến nay quyền sở hữu họ không có do pháp lí chưa cho phép, trong khi cam kết lợi nhuận cũng bị phá vỡ nên rủi ro thuộc về nhà đầu tư thứ cấp.
Trong trường hợp phá cam kết, nhà đầu tư thứ cấp chỉ còn cách tiếp tục chịu đựng để chia sẻ với chủ đầu tư hoặc nếu không chịu đựng được thì có thể kiện nhau ra tòa.