|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đổ nghìn tỉ vào quảng bá Cocobay Đà Nẵng vẫn vỡ trận, kế hoạch 'làm 5 cái Cocobay nữa' của ông chủ Empire Group sẽ về đâu?

17:42 | 26/11/2019
Chia sẻ
Ông chủ Cocobay Đà Nẵng nói rằng sẽ làm thêm "5 cái Cocobay nữa" trên toàn Việt Nam và tập đoàn "đã chuẩn bị xong kế hoạch rồi". Gần một năm sau lời tuyên bố này, hiện chưa có thêm dự án Cocobay nào mọc lên trong khi "siêu phẩm" Cocobay Đà Nẵng đã "vỡ trận".

Chi nghìn tỉ làm truyền thông cho Cocobay Đà Nẵng, ông chủ Empire Group thừa nhận đã không quản trị tốt dòng tiền

Tại một sự kiện của Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức hồi tháng 1/2019, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Empire Group - chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã nói rằng sẽ làm thêm "5 cái Cocobay nữa" trên toàn Việt Nam và ông cũng khẳng định "chắc nịch" tập đoàn "đã chuẩn bị xong kế hoạch rồi, vấn đề chỉ là thời gian".

Theo ông Thành, Vũng Tàu sẽ là địa điểm tiếp theo tập đoàn dự kiến làm dự án Cocobay.

coco3

Cocobay Đà Nẵng vỡ trận, kế hoạch 'làm 5 cái Cocobay nữa' của ông chủ Empire Group sẽ về đâu?

Ông chủ Empire Group cũng tiết lộ về số tiền "khổng lồ" đổ vào quảng bá cho dự án Cocobay Đà Nẵng.

"Các bạn có biết những năm 2016 – 2017, Cocobay Đà Nẵng khủng khiếp luôn, riêng tiền làm truyền thông đã lên tới cả nghìn tỉ", ông Thành nói tại sự kiện trên.

Cũng theo lời ông Thành, Cocobay Đà Nẵng là dự án do lớp trẻ của Empire Group điều hành. Thời điểm 2016 – 2017, ông chủ "đế chế" Empire đã quay lại tham gia điều hành với lớp trẻ ở 3 hạng mục là thủ tục hành chính, quản trị dòng tiền và điều chỉnh lại mục tiêu dự án.

Ông Thành thừa nhận điểm yếu khi đó là ông đã không quản trị tốt dòng tiền.

Trong thông báo chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận cho khách hàng từ 1/1/2020 của chủ đầu tư dự án Cocobay cũng cho thấy, nguyên do dừng chi trả lợi nhuận là công ty khó khăn về dòng tiền. 

Gần một năm sau lời tuyên bố sẽ làm thêm "5 cái Cocobay" của ông Thành, hiện chưa có thêm dự án Cocobay nào mọc lên trong khi "siêu phẩm" Cocobay Đà Nẵng được quảng bá hoành tráng một thời đã lâm vào cơn "vỡ trận" cam kết lãi suất 12%.

Và có lẽ giấc mơ xây 5 "siêu phẩm" Cocobay trên cả nước của ông chủ Empire Group sẽ khó mà thành hiện thực khi chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền và vụ "vỡ trận" vừa qua đã trở thành hồi chuông cảnh báo rất lớn cho các nhà đầu tư đang muốn nhảy vào condotel.

Được biết, năm 2018, Empire Group lỗ gần 100 tỉ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế vào cuối năm 2018 lên 134 tỉ đồng. Công ty có 5.700 tỉ đồng hàng tồn kho và khoản vay nợ lên tới 2.000 tỉ đồng.

Cơn "vỡ trận" cam kết lợi nhuận khủng từ condotel sẽ chưa dừng lại và Cocobay Đà Nẵng chỉ là mồi châm ngòi?

Có thể thấy, Cocobay Đà Nẵng là dự án condotel đầu tiên mà chủ đầu tư thất hứa với khách hàng về cái gọi là "cam kết lợi nhuận" khi hai bên kí hợp đồng mua bán.

Nhiều ý kiến lo ngại vụ việc này sẽ châm ngòi nổ dẫn tới việc hàng loạt dự án condotel khác trên cả nước vỡ trận về lợi nhuận cam kết với khách hàng.

Tại các dự án kinh doanh condotel ở Việt Nam, chủ đầu tư thường dùng đòn bẩy cam kết lợi nhuận để bắt tay, thu hút nhà đầu tư, khách hàng. Con số cam kết lợi nhuận theo hợp đồng kí kết giữa hai bên thường từ 8-12%/năm, thậm chí cá biệt có trường hợp cam kết được đẩy lên mức 14%/năm. Thời hạn thực hiện cam kết từ 8 đến 12 năm.

Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, những rủi ro này đã được dự báo từ thời hoàng kim của condotel cách đây 3-4 năm.

Trả lời báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói: "Từ 4 năm trước, khi loại hình bất động sản nghỉ dưỡng ồ ạt ra đời tôi đã cảnh báo cả chủ đầu tư lẫn nhà đầu tư thứ cấp nhưng dường như nhà đầu tư vẫn bỏ ngoài tai vì lòng tham".

Ông Hiếu cũng bày tỏ sự lo ngại trường hợp của Cocobay Đà Nẵng sẽ châm ngòi nổ dẫn tới việc hàng loạt các dự án condotel "vỡ trận" về lợi nhuận cam kết với khách hàng.

"Đó là điều dĩ nhiên. 4 năm trước tôi đã nghĩ một ngày nào đó tình trạng này có thể xảy ra. Từ dự án Cocobay Đà Nẵng mới thấy rằng càng dự án được cổ vũ một cách nhiệt tình càng tạo ra mất niềm tin thị trường. Đây là dấu hiệu cảnh báo cho các nhà đầu tư thứ cấp và cả sơ cấp", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, mức cam kết mức lợi nhuận 10-12% là rất mỏng manh.

Vì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhiều rủi ro, các nhà đầu tư sơ cấp tin rằng chủ đầu tư dự án sẽ mời được các công ty du lịch quốc tế đem khách hàng vào để lấp đầy những khu du lịch nghỉ dưỡng và tạo lợi nhuận. Nhưng đó chỉ là mong muốn, còn thực tế phải nhìn vào tình hình kinh tế của cả thế giới chứ không đơn thuần chỉ kinh tế Việt Nam.

Thêm vào đó, trong các hợp đồng với nhà đầu tư thứ cấp đã không đưa ra qui định chế tài nào. Khi chủ đầu tư không thực hiện cam kết đó thì cũng rất khó đi kiện để chủ đầu tư thực hiện cam kết.

Phát biểu tại một hội thảo tổ chức hồi tháng 8/2018 tại TP HCM, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành của Indochina Capital Corporation cho hay, mức cam kết lợi nhuận 8 – 12% trong vòng 8 – 10 năm với loại hình condotel là không tưởng.

"Không một ai trên thế giới có thể đảm bảo mức độ lợi nhuận này. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó. Các nhà đầu tư và người mua nước ngoài đã bắt đầu cảm nhận được rõ những rủi ro của việc cam kết lợi nhuận cao và bắt đầu từ chối các giao dịch trên cơ sở này", ông Michael Piro nói.

Khánh Hà