|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông chủ Cocobay Đà Nẵng đang thế chấp tài sản tại những ngân hàng nào?

19:27 | 27/11/2019
Chia sẻ
Ông chủ Cocobay Đà Nẵng Nguyễn Đức Thành, Tập đoàn Thành Đô cùng nhiều doanh nghiệp liên quan khác đang thế chấp một loạt dự án khủng, hàng triệu cổ phiếu tại nhiều ngân hàng khác nhau.

Thị trường bất động sản những ngày qua "nóng" với thông tin chủ siêu dự án Cocobay Đà Nẵng bất ngờ chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết trong hợp đồng mua bán condotel tại dự án này do có những khó khăn về dòng tiền.

Phía chủ đầu tư sẽ chỉ chịu trách nhiệm chi trả lợi nhuận đến hết ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel.

Được biết, dự án Cocobay Đà Nẵng của ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (còn được biết đến là Tập đoàn Empire), có vốn đầu tư lên đến 11.000 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của Tập đoàn tại thời điểm bắt đầu xây dựng chỉ ở mức 300 tỉ đồng đòi hỏi phải có nguồn vốn vay vốn để tài trợ dự án.

Vào cuối năm 2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký hợp đồng hợp tác với Thành Đô và trở thành nhà băng độc quyền cho vay mua bất động sản Cocobay Đà Nẵng.

Thời điểm đó, SHB và Thành Đô cùng nhau đưa ra những chính sách cho khách hàng vay vốn mua bất động sản tại dự án.

Cụ thể, lãi suất cho vay ưu đãi cố định 8%/năm trong 12 tháng hoặc 8,5%/năm trong 18 tháng. SHB miễn phí phạt trả nợ trước hạn sau 60 tháng. Về phía chủ đầu tư, mức hỗ trợ lãi suất 1,01%/năm và toàn bộ phí phạt trả nợ trước hạn sẽ được áp dụng trong vòng 12 tháng đầu tiên kể từ ngày giải ngân.

Thông tin người viết tìm hiểu được cho thấy, Chủ tịch Nguyễn Đức Thành thế chấp 5 triệu cổ phiếu của CTCP Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội (công ty thành viên của Thành Đô) từ ngày 4/4/2008 tại SHB.

Tại Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực, ông Thành đang thế chấp toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh từ 7,2 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (cũng một thành viên của Thành Đô).

Thành Đông Building

Tòa nhà 9 tầng tại quận Ba Đình là dự án Thành Đông Building. Đây là tòa nhà văn phòng hạng C, tọa lạc ngay khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quận Ba Đình – Trung tâm thủ đô Hà Nội. (Nguồn: Hà Nội Office)

Ngoài ra, tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), ông Thành cùng ba cá nhân khác gồm ông Nguyễn Thành Tùng, bà Phạm Thị Đề, ông Cao Minh Trúc và CTCP Đầu tư Thành Công (công ty thành viên của Thành Đô) thế chấp các khoản lợi thu được từ kinh doanh, khai thác tòa nhà 9 tầng tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Hiện tại, ông Cao Minh Trúc cũng đang dùng hai sổ tiết kiệm với tổng giá trị 89.271 AUD, tương đương hơn 1,4 tỉ đồng để dùng tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TNHH Shinhan Việt Nam.

Không những vậy, các công ty thành viên của Tập đoàn Thành Đô cũng đang thế chấp một số tài sản tại các ngân hàng khác.

Cụ thể, CTCP Tân Hoàng Cầu thế chấp quyền sử dụng và các quyền tài sản khác thuộc dự án Tổ hợp Văn phòng và Thương mại Dịch vụ Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội tại Ngân Hàng TMCP An Bình (ABBank) Chi nhánh Hà Nội.

CTCP Dịch vụ Giải trí Hà Nội dùng hợp đồng tiền gửi có kì hạn với giá trị 4,9 tỉ đồng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Hà Nội.

CTCP Đầu tư Phát triển Hồng Việt đang thế chấp tại SHB Chi Nhánh Hàn Thuyên các lợi tức thu được từ kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất của dự án Khu du lịch, dịch vụ sinh thái vùng Hồ Xuân Khanh thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội.

CTCP Tuần Châu Hà Nội (Công ty thành viên của Thành Đô) cũng đang dùng các quyền tài sản, quyền, lợi ích phát sinh từ Dự án "Đầu tư xây dựng công viên giải trí Tuần Châu – Chùa Thầy (còn được biết đến là biển nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á với tên gọi Baara Land), tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội làm tài sản đảm bảo tại NCB chi nhánh Hà Nội.

Baara-Land_Banner-chinh-1

Baara Land. (Nguồn: dulichvietnam)

Theo TheLeader, đến giữa năm 2019, tổng dư nợ của Thành Đô tại SHB khoảng 2.200 tỉ đồng. Ngoài việc vay vốn trực tiếp, Tập đoàn còn dùng quyền sử dụng đất của dự án để bảo đảm cho các công ty liên quan vay vốn tại các chi nhánh của SHB.

empire

Các công ty thành viên của Tập đoàn thành đô. (Nguồn: empiregroup)

Nói về vụ việc Cocobay Đà Nẵng "vỡ trận", ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, đây là một trường hợp cá biệt.

"Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Đô có chia sẻ với tôi rằng, đây là một việc bất đắc dĩ phải làm nhưng phía doanh nghiệp vẫn muốn công khai minh bạch. Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn Thành Đô cũng muốn chuyển lời xin lỗi đến các nhà đầu tư condotel khác nếu việc làm này ảnh hưởng đến họ", ông Nam dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn Thành Đô.

"Cái không may của Cocobay Đà Nẵng là việc lựa chọn vị trí cũng như định giá tỉ lệ lợi nhuận quá cao, nên định giá vừa phải thôi. Vào thời điểm đó, lãi suất ngân hàng mới chỉ có 6 -7% mà chủ đầu tư cam kết 12% là không có cơ sở. Nó đánh vào lòng tham và sự kém hiểu biết. Nếu thế thì đi gửi tiết kiệm làm gì? ", ông Nam nói.

Minh Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.