|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thống đốc chỉ thị tăng an toàn hệ thống ngân hàng

17:37 | 24/01/2017
Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành luật riêng về xử lý các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu.

Chỉ thị dài tới hơn 6.000 chữ này bao trùm các yêu cầu trong hoạt động của các đầu mối trực tiếp giám sát, quản lý, tới các tổ chức tín dụng trong hệ thống, cũng như các nhiệm vụ chung của ngành trong cho vay, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu và giám sát rủi ro.

Một thông điệp nổi bật trong chỉ thị của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước về định hướng 2017 là tăng cường hơn nữa an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Như đề cập tại hội nghị toàn ngành vừa qua, một lần nữa Thống đốc nêu cụ thể trong chỉ thị về định hướng sẽ nâng cao quy định an toàn đối với hoạt động của tổ chức tín dụng theo nguyên tắc từng bước hoàn thiện theo thông lệ, chuẩn mực an toàn quốc tế, cũng như tiếp tục lộ trình thực hiện các chuẩn mực của Basel 2.

Và như thể hiện rõ quan điểm trong năm 2015 và 2016, chỉ thị trên một lần nữa nhấn mạnh đến việc hạn chế và kiểm soát chặt chẽ các hiện tượng tập trung tín dụng, tình hình cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông.

Trong năm 2017, để kiểm soát chặt theo định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện cơ chế xem xét giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng thành viên, trên cơ sở đảm bảo định hướng tăng trưởng chung và theo năng lực, tình hình tài chính cụ thể.

2017 cũng là năm trọng tâm của hệ thống, bắt đầu triển khai đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu chung, toàn hệ thống phải tiếp tục kiểm soát được nợ xấu một cách bền vững và thực chất dưới 3% tổng dư nợ. Thực hiện mục tiêu này, yêu cầu tăng cường kiểm soát nợ xấu phát sinh, tăng cường công tác xử lý nợ xấu và tăng cường hơn nữa nguồn lực dự phòng rủi ro.

Trước khó khăn nổi bật trong xử lý nợ xấu là hành lang pháp lý trong thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo…, chỉ thị trên giao các đầu mối chức năng của Ngân hàng Nhà nước, phối hợp với Bộ Tư pháp để kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành luật để có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu và tăng cường sự an toàn, ổn định trong hoạt động ngân hàng.

Cùng với những yêu cầu trên, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Các tổ chức tín dụng rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.

Theo chỉ thị trên, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các dự án trọng điểm quốc gia, công trình cấp bách, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, năng lượng… góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh những định hướng trên, Chỉ thị 01 cũng gợi mở những thông tin mới trong quản lý ngoại hối.

Cụ thể, các đầu mối chức năng của Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án chống đô la hóa và vàng hóa; quản lý chặt chẽ hoạt động vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, nhất quán với mục tiêu quản lý nợ nước ngoài của quốc gia; triển khai đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường vàng phù hợp với điều kiện thực tế để chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ vào sản xuất kinh doanh.

Về định hướng chung, Chỉ thị 01 xác định, năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%); bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ.

Năm 2017, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, tín dụng tăng khoảng 18%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Hoàng Vũ