|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thoái vốn Nhà nước: Làm gì để đạt được mục tiêu?

16:20 | 01/03/2020
Chia sẻ
Giới chuyên gia đánh giá cao sự quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của Chính phủ song cũng nhận định quá trình này diễn ra ở các cấp địa phương, doanh nghiệp còn chậm trễ.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước thành công sẽ tạo nhiều lợi ích, là động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán, tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh.

Giới chuyên gia đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước thời gian qua, song cũng nhận định quá trình này diễn ra ở các cấp địa phương và doanh nghiệp còn chậm trễ.

Giải bài toán từ hai chiều

Theo các nhà phân tích tới từ Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta), việc nhà nước thoái vốn đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết, chuyển giao cho tư nhân vận hành sẽ giúp các quyết định đưa doanh nghiệp lên sàn dễ dàng hơn khi doanh nghiệp còn thuộc sở hữu nhà nước.

Thoái vốn Nhà nước: Làm gì để đạt được mục tiêu? - Ảnh 1.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thành công sẽ tạo ra nhiều lợi ích. Ảnh: TTXVN

Các chuyên gia từ Yuanta cho rằng, nếu xem thị trường chứng khoán là nơi giao dịch giữa người mua và người bán vốn (cổ phiếu) thì thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển cần xét từ hai phía.

Về phía người bán (các doanh nghiệp), số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường càng nhiều thì quy mô thị trường càng lớn.

Về phía người mua, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn trên thị trường chứng khoán. 

Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp thị trường có thêm nhiều cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt và quy mô vốn hóa lớn, từ đó nhà đầu tư cá nhân và tổ chức bớt tâm lý e ngại tham gia vào thị trường.

Nhóm chuyên gia tới từ Yuanta chỉ ra rằng, số lượng doanh nghiệp được nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa tăng mạnh thì sau từ 2 đến 3 năm, thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện rõ rệt.

Lấy dẫn chứng cụ thể, nhóm chuyên gia từ Yuanta cho biết, giai đoạn 2007 - 2008 và 2015 - 2016, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa được nhà nước đẩy mạnh. 

Khoảng thời gian sau đó thanh khoản thị trường chứng khoán trung bình năm 2009 đạt 1.623 tỷ đồng/phiên (tăng 226% so với 2008), thì gần 10 năm sau, năm 2018 đạt 5.259 tỷ đồng/phiên.

Ngoài ra, đứng trước vấn đề sở hữu khối ngoại các cổ phiếu hiện tại trên sàn gần như đã kín room (tỷ lệ % cổ phiếu mà tổng các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu), cơ hội để dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dần thu hẹp nếu không xuất hiện các cơ hội đầu tư mới hấp dẫn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vấn đề thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh sẽ giải được bài toán từ hai chiều ở cả tăng quy mô cho thị trường lẫn tạo điều kiện để nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia từ Yuanta nhận định.

Bên cạnh đó, không chỉ là bước đệm cho tăng trưởng thị trường chứng khoán, kết quả cho thấy sau khi thoái vốn hay cổ phần hóa, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.

Đồng thời, dù sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận có phần chậm lại, nhưng hoạt động thoái vốn giúp cho doanh nghiệp cải thiện về chất lượng tài chính khi lợi nhuận được cải thiện đáng kể, nhất là sau 2 năm kể từ khi thoái vốn nhà nước, các chuyên gia từ Yuanta cho biết.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết (VNCS), ông Đỗ Bảo Ngọc cũng nhìn nhận, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước thành công sẽ tạo ra nhiều lợi ích đối với cả thị trường chứng khoán và doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán sẽ được mở rộng về quy mô khi tăng cả về số lượng doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa thị trường. 

Đây là một trong những điều kiện để xét nâng hạng, thị trường chứng khoán có thêm hàng hóa chất lượng và nhà đầu tư (trong nước và nước ngoài) có thêm cơ hội đầu tư mới tiềm năng.

Doanh nghiệp sẽ có thêm các lợi ích riêng như: công khai, minh bạch quản trị công ty, đa dạng hóa cổ đông, nhiều cổ đông chiến lược có thể đóng góp lớn vào quá trình phát triển doanh nghiệp. 

Qua đó, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế.

Ngoài ra, việc thu được vốn thông qua thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp cũng giúp Chính phủ có thêm vốn để đầu tư công, từ đó thúc đầy nền kinh tế phát triển và tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh. 

Về cơ bản có rất nhiều lợi ích khi quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được đẩy nhanh, ông Ngọc nhận định.

Nhiều khó khăn

Phó Tổng giám đốc VNCS Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 tới nay là khó có thể hoàn thành. Thực tế việc thoái vốn đã diễn ra chậm trễ trong suốt giai đoạn này.

Có đến hơn 70% khối lượng thoái vốn phải dồn vào năm 2020 nếu muốn hoàn thành kế hoạch của Chính phủ. 

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ bất khả thi trong năm 2020, do đó nhiều khả năng sẽ phải có các kế hoạch chi tiết hơn cho các giai đoạn sau để tiếp tục quá trình thoái vốn nhà nước.

Thoái vốn Nhà nước: Làm gì để đạt được mục tiêu? - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán sẽ được mở rộng về quy mô khi tăng cả về số lượng doanh nghiệp niêm yết và vốn hóa thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong khi đó, phần lớn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì hiệu quả kinh doanh kém, không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Nhiều trường hợp nhà nước chào báo đấu giá không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.

Các quy định liên quan đến việc không được phép bán dưới giá vốn đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng là một rào cản. 

Thực tế thị trường chứng khoán gần đây có xu hướng sụt giảm thanh khoản, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, xu thế thị trường giảm và đi ngang là chủ yếu cũng khiến các đợt cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn để thu hút nhà đầu tư…

Vị chuyên gia cho rằng, việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn có những thuận lợi nhất định.

Theo đó, thuận lợi nhất hiện nay là tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam khá tích cực so với mặt bằng chung các nền kinh tế châu Á và thế giới. 

Nhiều doanh nghiệp lớn có vốn sở hữu nhà nước tiếp tục kinh doanh có hiệu quả và thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức đầu tư lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, nhóm này chỉ chiếm số lượng ít và là các doanh nghiệp lớn đầu ngành, kinh doanh có hiệu quả và có vị thế vững chắc.

Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cũng là một thuận lợi. Dù vậy, quá trình này diễn ra ở các cấp địa phương và doanh nghiệp là rất chậm trễ.

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh cho rằng, năm 2020, hoạt động thoái vốn sẽ khó có thể sôi động bởi thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế giảm tốc, GDP dự báo giảm mạnh, VN-Index điều chỉnh chưa kể khối ngoại bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng trong tháng 2/2020.

“Có lẽ, từ năm 2021 trở đi hoạt động thoái vốn mới thực sự sôi động, chúng ta cũng đợi chờ thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn hồi phục mới, khả năng được lọt vào danh sách nâng hạng của tổ chức MSCI cũng sẽ giúp các hoạt động niêm yết, hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa diễn ra tốt đẹp hơn”, vị chuyên gia nói.

Ông Khánh cũng nhìn nhận, việc thoái vốn có thành công hay không phụ thuộc nhiều sự quyết tâm của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, công ty quản lý, ý chí của cổ đông lớn...

Việc thoái vốn thành công cũng phụ thuộc nhiều đến việc định giá tài sản, định giá doanh nghiệp, định giá đất.

Ngoài ra, thành công cũng phải đến từ việc thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực, thị trường thuận lợi thì việc thoái vốn cũng thuận lợi hơn.

Để quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đạt hiệu quả, theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc VNCS, Chính phủ cũng cần tính phương án thuận theo cơ chế thị trường. 

Trong nhiều trường hợp có thể phê duyệt các phương án thoái vốn theo nhu cầu thực tế thị trường có thể hấp thụ. 

Để làm được phương án này thì các khâu giám sát và phê duyệt cần cẩn trọng và có quy trình công khai minh bạch, khi đó việc bán vốn tại các doanh nghiệp yếu kém mới phát huy hiệu quả thực tế.

Ngoài ra, đối với vấn đề cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn không cần sự kiểm soát của nhà nước cần có chế tài cụ thể đối với các lãnh đạo doanh nghiệp để tạo sức ép đủ mạnh nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn, đảm bảo lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp, tránh hiện tượng tư lợi của những lãnh đạo cũ làm cho quá trình cổ phần hóa thoái vốn diễn ra thiếu minh bạch.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm, không đạt được theo kế hoạch đã đề ra.

Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có 128 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020. 

Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2019 chỉ có 36/128 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc triển khai thoái vốn nhà nước đoạn 2017 - 2020  theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mới đạt 7,8% kế hoạch.

Văn Giáp