|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Méo mó có hơn không

21:46 | 16/01/2020
Chia sẻ
Thỏa thuận thương mại mà các lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ vừa kí kết có nhiều điểm khiến dư luận cả hai bên chưa hài lòng. Nhưng ít nhất, thỏa thuận này cũng giúp tạm ngưng cuộc chiến thuế quan đã kéo dài gần hai năm qua và gây thiệt hại hàng tỉ USD cho nền kinh tế hai bên.

Ngày 15/1 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã kí kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một với các điều khoản về cam kết giao dịch hàng hóa, tiếp cận thị trường tài chính và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thỏa thuận này được xây dựng như là bước đi đầu tiên trên con đường chấm dứt xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cuộc xung đột đã chứng kiến hàng trăm tỉ USD hàng hóa bị đánh thuế quan, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thị trường tài chính náo loạn, chi phí của người dân tăng cao và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.

Bước tiến đầu tiên sau gần hai năm bế tắc

“Hôm nay chúng ta đạt được một bước tiến quan trọng, chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ của Mỹ với Trung Quốc”, Tổng thống Trump tuyên bố trước khi đặt bút kí thỏa thuận cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc. 

Căn phòng diễn ra lễ kí chật cứng các lãnh đạo doanh nghiệp mà chính quyền ông Trump mời tới cùng với nhiều phóng viên, nghị sĩ Mỹ, quan chức chính phủ Mỹ và các thành viên của phái đoàn Trung Quốc.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Méo mó có hơn không - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump kí thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Nhà Trắng ngày 15/1/2020. Ảnh: AFP.

Ông Trump cũng cho biết ông sẽ tới thủ đô Bắc Kinh trong tương lai gần “để đáp lễ” và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau khi nói ngắn gọn về tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại sắp kí, ông Trump phớt lờ chiếc máy nhắc chữ (teleprompter) và nói tự do trong khoảng nửa tiếng đồng hồ về nhiều nội dung như cảm ơn các quan chức, nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có mặt tại căn phòng.

Ông Trump còn tranh thủ dịp này công kích và xua đuổi các nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập vì vụ luận tội ông sắp diễn ra tại Thượng viện. Một số nghị sĩ đã lập tức rời khỏi phòng.

Hơn một giờ sau khi sự kiện bắt đầu, Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc mới đặt bút kí vào thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra năm 2018. 

Hai bên từng suýt nữa đạt được thỏa thuận hồi tháng 5/2019 nhưng đàm phán sụp đổ vào phút chót khi Washington cáo buộc Bắc Kinh lật lọng trong các cam kết quan trọng.

Sau nhiều tháng đàm phán gian nan và những vòng thuế quan áp bổ sung, chính phủ Mỹ tuyên bố hồi giữa tháng 12/2019 rằng hai nước đã đạt được nhất trí về một thỏa thuận mới. Tuy nhiên cũng phải đến tuần này thì các điều khoản chi tiết của thỏa thuận mới được chốt xong và dịch sang tiếng Trung.

Những nội dung được tiết lộ từ lâu

Bản đầy đủ của thỏa thuận phải đến sau lễ kí kết mới được công bố. Tuy nhiên các nội dung chủ yếu đã được tiết lộ dần từ mấy tuần qua.

Một trong những điều khoản quan trọng của thỏa thuận vừa kí là trong hai năm 2020-2021, Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với năm 2017. 

Cụ thể, trong năm 2020 và 2021, Trung Quốc dự kiến nhập lần lượt 77 tỉ USD và 123 tỉ USD. Năm 2017, Trung Quốc đã mua 186 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), cơ cấu nhập khẩu thêm của Trung Quốc sẽ bao gồm khoảng 77 tỉ USD hàng chế tạo, 52 tỉ USD hàng năng lượng, 32 tỉ USD hàng nông sản và 38 tỉ USD dịch vụ các loại (du lịch, dịch vụ tài chính, dịch vụ đám mây).

Ông Trump cho biết Bắc Kinh còn cam kết loại bỏ rào cản đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm, hải sản, sản phẩm từ sữa, gạo, sữa công thức, thức ăn cho động vật và công nghệ vi sinh.

Theo chi tiết thỏa thuận do Đại diện Thương mại Mỹ công bố sau lễ kí, Trung Quốc còn cam kết rút ngắn quá trình phê duyệt các giống nông nghiệp theo công nghệ vi sinh mới xuống còn 24 tháng. Qui trình này hiện đang mất tới 5-7 năm.

Thỏa thuận này còn kéo theo việc Mỹ không áp thuế lên khoảng 162 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc như kế hoạch trước đó, đồng thời Mỹ sẽ giảm thuế suất đối với khoảng 110 tỉ USD hàng Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%. Khoảng 360 tỉ USD hàng hóa còn lại mà Trung Quốc xuất sang Mỹ vẫn sẽ bị áp thuế như cũ.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết theo thỏa thuận vừa kí, Bắc Kinh sẽ không gỡ bỏ hay cắt giảm thuế quan đang áp lên khoảng 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thì cho hay Bắc Kinh đã cam kết sẽ đưa ra các qui định mới nhằm ngăn doanh nghiệp Trung Quốc ép buộc công ty Mỹ chia sẻ tài sản trí tuệ để đổi lấy tiếp cận thị trường.

Hôm 13/1, Mỹ đã bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc như là một bước nhượng bộ trước ngày kí thỏa thuận.

“Cuộc đàm phán thương mại lắm lúc gặp nhiều trở ngại”, Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói về các cuộc thảo luận giữa hai nước trong hai năm qua. Nhưng những nỗ lực “không biết mệt mỏi” từ cả hai bên đã giúp tạo ra thỏa thuận mà hai nước cam kết sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt”, ông Lưu Hạc khẳng định.

Giống như những lần gặp Tổng thống Trump trước đây, hôm 15/1 ông Lưu Hạc cũng đọc to một lá thư mà Chủ tịch Tập Cận Bình viết cho ông Trump. Giọng điệu của lá thư chủ yếu mang tính khen ngợi tuy nhiên cũng có phần đề nghị chính phủ Mỹ đối xử “công bằng” với doanh nghiệp Trung Quốc và hỗ trợ “sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường cao đẳng - đại học của hai quốc gia”.

Nói những lời cuối cùng trước khi đặt bút kí, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng lễ kí kết không chỉ có ý nghĩa quan trọng với giao thương hai nước mà còn giúp cho “hai quốc gia to lớn và hùng mạnh đoàn kết với nhau hơn”.

Trung Quốc thận trọng tới mức đáng ngại

Trong khi Tổng thống Trump vô cùng lạc quan, phía Trung Quốc lại tỏ ra rất thận trọng.

Người dân Trung Quốc thức dậy vào buổi sáng 16/1 với dòng tin tức tràn ngập về lễ kí kết thỏa thuận với Mỹ đêm hôm trước. Phó Thủ tướng Lưu Hạc gọi đây là dàn xếp “win-win”, tức là đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên các chi tiết của thỏa thuận này phải đến hơn 8 tiếng đồng hồ sau lễ kí kết mới được công bố.

Bộ Tài chính Trung Quốc đăng tải cả bản tiếng Anh và tiếng Trung của thỏa thuận vào lúc 10h30 sáng 16/1, sau khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đăng bản tiếng Anh dài 96 trang.

Tuy nhiên nội dung mà phía Trung Quốc công bố chỉ có các ý chính về tài sản trí tuệ, tiếp cận thị trường và cam kết nhập khẩu. Các chi tiết về giao dịch hàng hóa cụ thể đều vắng bóng.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Méo mó có hơn không - Ảnh 2.

Cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua đã gây thiệt hại nặng nề lên nông dân Mỹ - nhóm cử tri quan trọng của ông Trump. Ảnh: Getty Images.

Đài truyền hình quốc gia CCTV và phiên bản tiếng Anh CGTN tường thuật trực tiếp lễ kí kết thỏa thuận ngay trong đêm 15 rạng sáng ngày 16/1 theo giờ Trung Quốc. Tuy nhiên khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (người có tư tưởng chống Trung Quốc mạnh mẽ) bắt đầu phát biểu, phần phiên dịch sang tiếng Trung đột ngột biến mất.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô thỏa thuận này theo khía cạnh: Sau 18 tháng làm việc căng thẳng, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tìm được đủ điểm chung để kí kết một văn bản chính thức. Trong khi đó, giới quan sát quốc tế coi thỏa thuận này là có ý nghĩa tương đối nhỏ.

Tân Hoa Xã đăng một bài phân tích sáng 16/1 với nội dung: Thỏa thuận giai đoạn một vừa kí cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang tìm kiếm một “hướng tiếp cận hợp lí hơn” để xử lí những bất đồng. 

Tuy nhiên bài viết của Tân Hoa Xã cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này chỉ nên được coi là “một bước khởi đầu tốt đẹp” để giải quyết những tranh chấp “lâu dài, phức tạp và khó khăn”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng khẳng định thỏa thuận này không phải là chiến thắng dành cho một bên và kì vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ phải có hàng chục vòng đàm phán căng thẳng nữa trong tương lai.

“Thông điệp lớn nhất từ thỏa thuận này là hai bên không từ bỏ liên lạc và đàm phán, không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm đồng thuận dù gặp nhiều khó khăn”, tờ Thời báo Hoàn Cầu viết.

Tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì cố gắng gạt đi việc so sánh thỏa thuận thương mại vừa kí với Thỏa ước Plaza giữa Mỹ và Nhật Bản năm 1985. Một số người cho rằng chính Thỏa ước Plaza này đã đẩy Nhật Bản rơi vào thập kỉ mất mát sau đó. 

Tờ Nhân dân Nhật báo còn lập luận rằng "nhu cầu khổng lồ" của Trung Quốc sẽ giúp nước này dễ dàng hoàn thành cam kết nhập khẩu 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ.

"Méo mó có hơn không"

Các nhà phân tích quốc tế có tâm lí thận trọng về thỏa thuận này, đặc biệt là khi nước Mỹ đang chuẩn bị tung ra hàng loạt lệnh cấm mới đối với tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. 

Một số chuyên gia lo ngại hai nước sẽ không thể tiến tới thống nhất được các vấn đề mang tính cấu trúc, gai góc hơn như trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho doanh nghiệp nhà nước.

“Thỏa thuận giai đoạn một là bước đi đúng hướng, nhưng nó không thể thay đổi được nhận thức chung của mọi người rằng bất ổn thương mại chính là thực tế mới của thế giới”, ông Jon Cowley - Luật sư thương mại quốc tế cao cấp tại Baker McKenzie Hong Kong chia sẻ với SCMP.

Trong một bức thư gửi tới Tổng thống Trump, Liên minh Sản xuất của nước Mỹ đã gọi thỏa thuận vừa được kí là “cực kì thiếu sót” và “hầu như tất cả những vấn đề cấu trúc quan trọng đều bị bỏ lại, chưa được giải quyết”; trong số đó có chính sách trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.

Ông Euan Rellie - nhà sáng lập của ngân hàng đầu tư BDA Partners thì cho rằng hành động của ông Trump trong lễ kí kết chỉ mang tính phô trương khoe mẽ và nội dung thỏa thuận thiếu vắng sự đột phá.

“Những người ủng hộ ông tỏ ra hết sức vui mừng. Nhưng thực tế là tình cảnh nông dân Mỹ sau thỏa thuận giai đoạn một không hề được cải thiện so với thời điểm đầu cuộc chiến thương mại”, ông Rellie nhận định.

Tuy nhiên ông Rellie cũng cho biết ông thở phào nhẹ nhõm vì căng thẳng Mỹ - Trung đã hạ nhiệt. “Ít nhất là hiện nay sẽ ít có khả năng ông Trump áp thêm thuế quan. Tôi không coi đây là một chiến thắng mà là một giai đoạn hòa hoãn tạm thời đầy bấp bênh. Dù sao thì còn hơn là không có gì”.

Ông Jeremie Waterman, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ phụ trách khu vực Trung Quốc nhận định thỏa thuận thương mại này tạo ra một mức sàn tối thiểu cho mối quan hệ đầy sóng gió giữa hai nước.

Song Ngọc