Thổ Nhĩ Kỳ tăng mua vàng, vượt Nga để trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới
Trong thập kỉ qua, các ngân hàng trung ương (NHTW) trên khắp thế giới đã tích cực tăng dự trữ vàng để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Theo số liệu mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới, Nga từng là nước đóng góp nhiều nhất cho xu hướng trên và hiện là quốc gia sở hữu lượng vàng lớn thứ 5 thế giới. Cụ thể, Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng.
Tuy nhiên, lượng vàng mà Nga mua vào trong giai đoạn 5 tháng đầu năm nay đã lao dốc gần 60% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 28 tấn. Hồi cuối tháng 3, NHTW Nga cho biết họ sẽ giảm mua vàng trong nước kể từ ngày 1/4 mà không lí giải nguyên nhân.
"Nhìn từ bên ngoài, nhiều khả năng giá dầu thô giảm đã ảnh hưởng đến quan điểm của Nga đối với việc mua vàng", ông Takahiro Morita của công ty nghiên cứu tài chính Morita & Associates, cho hay. Nếu nguồn thu từ dầu thô giảm, Nga sẽ có ít tiền để mua vàng hơn.
Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên là nhà nhập khẩu vàng để dự trữ lớn nhất thế giới. Theo Nikkei Asian Review, nước này đã mua khoảng 148 tấn vàng trong 5 tháng đầu năm nay, gần gấp ba so với cùng kì năm ngoái.
Tương tự Nga, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng chứng kiến nguồn thu ngoại tệ sụt giảm. Nikkei cho biết, nguồn thu từ du lịch - động lực thúc đẩy chính của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đã giảm mạnh do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và đồng lira (TRY) đang giao dịch ở mức thấp kỉ lục thời gian gần đây.
"Không có nhiều động lực về kinh tế để Thổ Nhĩ Kỳ cố sức mua vàng ngay lúc này", nhà phân tích Kota Hirayama của SMBC Nikko Securities, nhận định. Thổ Nhĩ Kỳ có thể bảo vệ đồng nội tệ khỏi mất giá dễ dàng hơn nếu chính phủ duy trì kho dự trữ ngoại tệ của họ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua thêm vàng, có lẽ là vì mối quan hệ song phương với Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn trong vài năm trở lại đây. Năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ việc nước này giam giữ một mục sư Mỹ.
Năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ lại mua một hệ thống tên lửa đất đối không từ Nga, đẩy các nước thành viên NATO vào tình thế khó xử.
Chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen (hiện đang sống tại Mỹ) do cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính bất thành chống lại ông Erdogan hồi năm 2016. Cho đến nay, Washington vẫn từ chối, khiến quan hệ song phương thêm sứt mẻ.
Nếu quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và Mỹ tăng cường trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ có thể không mua được đồng USD cho các thỏa thuận thanh toán.
Mới tuần trước, Tổng thống Trump đã kí một dự luật ngăn chặn các ngân hàng Trung Quốc mua đồng USD nhằm phản đối luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp dụng tại Hong Kong.
Nikkei chỉ ra một dấu hiệu cảnh báo cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có thể chịu chung số phận với Trung Quốc. Vào tháng 3, khi đại dịch COVID-19 làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tham gia hoán đổi tiền tệ với 6 NHTW đang thiếu đồng USD. NHTW Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn không nằm trong danh sách mở rộng này.
"Có thể điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ thêm lo lắng rằng họ không thể phụ thuộc vào Mỹ trong trường hợp khẩn cấp", ông Hirayama nhận định.
Trong khi đó, vàng không có lãi suất và trở thành một sự thay thế hấp dẫn cho đồng USD. Việc Nga tạm ngừng mua vàng có thể tác động đến các NHTW, khiến họ giảm mua vàng trong thời gian ngắn. Về lâu dài, các NHTW này sẽ tăng mua vàng trở lại.