Thị trường việc làm của Mỹ 'tăng tốc' trở lại trong tháng 6/2021
Cụ thể, báo cáo việc làm tháng 6/2021 của Bộ Lao động Mỹ vừa được công bố ngày 2/7 cho thấy, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tạo thêm 850.000 việc làm mới trong tháng Sáu vừa qua, so với mức tăng tương ứng 583.000 việc làm vào tháng Năm.
Kết quả này tốt hơn dự báo của các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Reuters khi cho rằng, nước Mỹ sẽ tạo thêm 700.000 việc làm trong tháng Sáu. Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động, tháng Sáu vừa qua đã ghi nhận số vị trí việc làm còn trống ở mức cao kỷ lục 9,3 triệu.
Số liệu tích cực trên cho thấy nền kinh tế Mỹ đã kết thúc quý II với đà tăng trưởng mạnh mẽ, sau khi mở cửa trở lại nhờ việc thực hiện rộng rãi các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng việc làm của Mỹ vẫn thấp hơn con số ít nhất 1 triệu việc làm mỗi tháng mà các nhà kinh tế dự báo từ đầu năm.
Andrew Hunter, nhà kinh tế cấp cao của công ty tư vấn Capital Economics (Mỹ) cho biết, đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động, từng kìm hãm sự phục hồi của thị trường việc làm, đang bắt đầu giảm bớt.
Ngành khách sạn và giải trí của Mỹ đã tạo thêm 343.000 việc làm trong tháng Sáu, chiếm 40% số việc làm mới của tháng này. Trong khi đó, số việc làm tại các cơ quan chính phủ đã tăng thêm 188.000.
Lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tạo thêm 15.000 việc làm trong tháng Sáu vừa qua, một con số được cho là khá khiêm tốn, giữa bối cảnh các nhà máy đang phải vật lộn với tình trạng thiếu công nhân tràn lan cũng như sự khan hiếm nguyên liệu khiến một số nhà máy phải cắt giảm công suất sản xuất.
Lĩnh vực xây dựng chứng kiến sự sụt giảm về số việc làm mới trong tháng Sáu, mặc dù lĩnh vực này vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu nhà ở mạnh mẽ. Tuy nhiên, giá gỗ xẻ tăng vọt đang cản trở hoạt động xây dựng nhà ở.
Các chính trị gia, doanh nghiệp và một số nhà kinh tế cho rằng việc tăng cường trợ cấp thất nghiệp, bao gồm cả khoản chi 300 USD/tuần từ Chính phủ Mỹ, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng lao động tại nước này.
Bên cạnh đó, việc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả hợp lý và lo ngại về đại dịch COVID-19 cũng được cho là nguyên nhân khiến người lao động, chủ yếu là phụ nữ, quyết định ở nhà.