|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cơn khát hàng hóa của Mỹ thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới

06:08 | 30/06/2021
Chia sẻ
Dòng tiền đang tràn ra ngoài kinh tế Mỹ và lan tỏa ra khắp thế giới, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu ở mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ.
Cơn khát hàng hóa của Mỹ thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Những người mua sắm bên ngoài cửa hàng Gucci ở California. (Ảnh: Bloomberg).

Được thúc đẩy nhờ kích thích trị giá gần 6.000 tỷ USD và cơn khát hàng hóa, kinh tế Mỹ đang là động lực chính cho đà hồi phục của thế giới, các chuyên gia nói với tờ Wall Street Journal. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến chỉ riêng chương trình chi tiêu gần đây nhất của Mỹ sẽ nâng sản lượng kinh tế của Nhật Bản, Trung Quốc và khu vực đồng euro trong 12 tháng tới lên tận 0,5 điểm %, còn GDP của Canada và Mexico có thể tăng tới 1 điểm %. 

Trong tháng 5, OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cả năm 2021 lên 5,8% - tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1973.

Ông Adam Posen, cựu nhà hoạch định chính sách tại ngân hàng trung ương Anh nhận xét: "Đó là những con số khổng lồ. Mỹ đang thực hiện chính sách tài khóa với quy mô chúng ta chưa từng thấy trong thời bình".

"Ở mức độ nào đó, Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản đang được "ăn không" từ kích thích tài khóa của Mỹ", ông Posen nói thêm.

Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt. Trong khi một số quốc gia được hưởng lợi từ gia tăng thương mại, nhiều nước khác đối mặt với rủi ro lạm phát, đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu leo thang, gây ra mối nguy với phục hồi kinh tế.

Đối với Mỹ, sự bùng nổ của nhu cầu có thể giúp củng cố quan hệ kinh tế với các đồng minh đúng lúc Trung Quốc ngày càng hướng kinh tế về nội địa và đánh mất thiện cảm với nước ngoài.

Theo OECD, kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ ghi nhận cuộc phục hồi mạnh mẽ nhất kể từ đầu thập niên 1980, tăng trưởng 6,9% trong năm 2021. Điều này rất quan trọng với kinh tế thế giới vì người tiêu dùng Mỹ là xương sống của thương mại toàn cầu.

Theo số liệu năm 2017 của Deloitte, Mỹ chiếm khoảng 27% chi tiêu tiêu dùng cuối cùng trên toàn thế giới, lớn hơn nhiều tỷ trọng của Trung Quốc là 11%.

Cơn khát hàng hóa của Mỹ thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới - Ảnh 2.

Thu nhập của người Mỹ không ngừng tăng lên qua đại dịch. Theo tính toán của Moody's, trong năm 2020, các hộ gia đình Mỹ đã tích lũy được 2.600 tỷ USD "tiết kiệm dư thừa" so với 2019 và đang mạnh tay chi cho hàng hóa sản xuất ở nước ngoài.

HSBC dự đoán từ nay đến 2026, trung bình mỗi năm Mỹ sẽ nhập khẩu thêm 170 tỷ USD hàng hóa.

Nhu cầu nhập khẩu to lớn của Mỹ hiện nay trái ngược với hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi nhiều hộ gia đình tập trung vào việc trả nợ thay vì mua sắm.

Cơn khát hàng hóa của Mỹ thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Cơn sốt thị trường nhà ở Mỹ thúc đẩy Uponor Oyj, một nhà sản xuất đường ống Phần Lan bổ sung dây chuyền sản xuất mới tại một nhà máy mới mua ở Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ kéo dài nhiều năm của Mỹ đang thôi thúc nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới đầu tư mở rộng công suất. Morgan Stanley ước tính đầu tư toàn cầu đã điều chỉnh cho lạm phát sẽ tăng hơn 1/5 vào cuối năm 2022 so với mức trước đại dịch.

Điều này đặc biệt quan trọng với nền kinh tế thứ hai thế giới. Dự kiến gia tăng đầu tư và nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ sẽ giúp bù đắp cho sự phục hồi yếu ớt hơn nhiều của tiêu dùng nội địa Trung Quốc, theo OECD.

Ông Lin Guo'ai, đồng sáng lập công ty sản xuất xe đạp điện Myatu Pedelec Technology ở Quảng Châu cho biết: "Gói kích thích khổng lồ ở Mỹ chắc chắn là tin tốt đối với tôi và ngành của tôi".

Đơn đặt hàng từ nước ngoài của Myatu Pedelec Technology tăng hơn 80% trong năm ngoái, với gần 2/3 đơn đặt hàng mới đến từ Mỹ. Nhu cầu mạnh mẽ đến mức ông Lin không lo ngại về mức thuế 25% mà Mỹ áp dụng đối với xe đạp điện Trung Quốc. Công ty đang chi 120 triệu nhân dân tệ (18,8 triệu USD) để xây dựng nhà máy sản xuất các bộ phận hiện đang phải đặt mua từ bên ngoài.

Các công ty kỹ thuật Đức nhận thấy nhu cầu lớn dành cho thiết bị để lắp đặt cho các nhà máy châu Á bán hàng cho Mỹ.

Công ty sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan đã công bố kế hoạch đầu tư lớn nhằm tăng sản lượng chip, một phần lớn để cung cấp cho Mỹ.

Nông dân ở các nước như Brazil đang đặt hàng máy móc để xuất khẩu các sản phẩm như dầu sang thị trường Mỹ. 

Bà Ayumi Hayashida, Giám đốc quan hệ công chúng và nhà đầu tư của công ty sản xuất robot công nghiệp Yaskawa Electric cho biết: "Doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các khoản đầu tư cho tài sản cố định mà họ đã trì hoãn".

Trong khi đó, các điểm đến du lịch đang nóng lòng chờ đợi du khách Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) hối thúc các chính phủ cho phép công dân Mỹ nhập cảnh ngay cả khi những người này chưa được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ. Các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp và Italy đã mở cửa biên giới cho người Mỹ.

Cơn khát hàng hóa của Mỹ thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới - Ảnh 4.

Delta Air Lines là một trong số các hãng hàng không đặt hàng máy bay mới. (Ảnh: Bloomberg).

Các hãng hàng không Mỹ bao gồm Delta Air Lines và Alaska Air đã bắt đầu đặt hàng máy bay từ các nhà sản xuất nước ngoài như Airbus trong bối cảnh các đường bay đến châu Âu và Mỹ Latinh được nối lại.

Tuy nhiên, quy mô của sự phục hồi kinh tế Mỹ đang gây ra căng thẳng và áp lực trên khắp thế giới. Sự bùng nổ nhu cầu của Mỹ đang đẩy giá một loạt mặt hàng tiêu dùng leo thang.

Nhu cầu lớn đối với thiết bị điện tử như tivi, laptop và smartphone trong thời kỳ đại dịch đã tạo ra tình trạng thiếu thiếc, đẩy giá kim loại này lên sát mức kỷ lục.

Một số công ty đóng tàu đang yêu cầu người mua trả thêm tiền vì giá thép tăng.

Bà Vanessa McDonald, Giám đốc bán hàng của Wildlife World, nhà cung cấp thực phẩm và nhà ở cho động vật ở Anh, chứng kiến chi phí vận chuyển hàng hóa đến các thị trường tăng gần 6 lần.

Wildlife World bù đắp chi phí gia tăng bằng việc thu phụ phí đối với khách hàng. Bà McDonald cho biết: "Mọi người đều đang chấp nhận mức tăng giá đáng kể. Tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu lớn đến vậy".

Giang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.