Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập
Việt Nam cần tích cực đổi mới cơ chế, xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ để thúc đẩy thị trường này phát triển, san sẻ gánh nặng với kênh tín dụng, là kênh đang phải"cõng" vốn chính của nền kinh tế.
Điểm yếu của thị trường TPDN Việt Nam
Trái ngược với TPDN, trái phiếu chính phủ (TPCP) chiếm tỷ trọng quá lớn, lên tới 88,7% trong tổng quy mô. Chúng ta hãy cùng so sánh hai loại trái phiếu này để chỉ ra nhược điểm khiến thị trường TPDN chưa phát triển.
Thứ nhất về rủi ro, khi xem xét để quyết định đầu tư vào một chứng khoán nợ nào đó, có thể dễ dàng nhận ra là TPDN có độ rủi ro lớn hơn nhiều. Mức độ rủi ro này phụ thuộc vào khả năng trả nợ của tổ chức phát hành. Trong khi nhà phát hành TPCP là Chính phủ, vốn được coi là gần như không vỡ nợ, thì doanh nghiệp vỡ nợ là chuyện không hiếm gặp.
Thực tế, trong những giai đoạn bội chi ngân sách gia tăng, Chính phủ phải phát hành trái phiếu nhiều hơn để tài trợ thâm hụt và để trả nợ các khoản trái phiếu đáo hạn trong quá khứ. Điều này cũng giống như doanh nghiệp khi rơi vào tình trạng lỗ lũy kế tăng cao, không thể trả được nợ trái phiếu đã phát hành thì cần phát hành lượng trái phiếu mới để đảo nợ và tài trợ các khoản lỗ đó. Song, TPCP vẫn là mặt hàng được ưa chuộng trong nhiều trường hợp bội chi ngân sách gia tăng, trong khi TPDN có xu hướng trở nên tồi tệ hơn trong mắt giới đầu tư nếu doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ.
Một trong những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư có thể qua đó đánh giá mức độ rủi ro là hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành. Trong khi Chính phủ được các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới đánh giá (như S&P, Fitch Ratings), thì đa phần doanh nghiệp Việt Nam lại chưa có xếp hạng từ các tổ chức này.
Nếu Chính phủ phát hành trái phiếu 5 năm, 10 năm, thậm chí 30 năm rất dễ dàng với nhu cầu trên thị trường cao thì doanh nghiệp rất khó khăn trong việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài như vậy. Việc nhà đầu tư e ngại khi mua TPDN phần nhiều do rủi ro tài chính của doanh nghiệp còn cao và đi kèm với nó là việc thiếu những đánh giá, xếp hạng về khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Thứ hai là tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Thị trường chứng khoán nợ thứ cấp là nơi mua đi bán lại các loại chứng khoán nợ đã phát hành ra công chúng, mà chủ yếu là các trái phiếu. Sự sôi động của thị trường này là thước đo tính thanh khoản của loại chứng khoán đó. Một loại chứng khoán có thanh khoản cao, nghĩa là khả năng chuyển hóa thành tiền càng lớn, thì nhu cầu nắm giữ tài sản đó càng cao và ngược lại nó sẽ giúp thị trường sơ cấp phát triển và nhà phát hành có thể phát hành nhiều chứng khoán hơn.
Nếu thị trường thứ cấp TPCP liên tục sôi động, trung bình một ngày TPCP có khối lượng giao dịch vào khoảng 3.000-7.000 tỉ đồng, thì thị trường thứ cấp TPDN lại trầm lắng hơn rất nhiều. Hơn nữa, Việt Nam đang thiếu một tổ chức thống kê giao dịch trên thị trường thứ cấp của TPDN, do hầu như các doanh nghiệp đều phát hành riêng lẻ và không niêm yết trên các sở giao dịch. Hay nói cách khác, thị trường thứ cấp TPDN là thị trường phi tập trung, việc mua bán theo thỏa thuận giữa hai bên nên rất khó thống kê.
Hiện nay, có khoảng 90% TPDN phát hành riêng lẻ và chỉ có 10% niêm yết tại sở giao dịch khiến thông tin trên thị trường TPDN không có nhiều, ảnh hưởng tới độ minh bạch thông tin và làm tăng rủi ro trong mắt giới đầu tư. Cũng vì có quá ít thông tin để nhà đầu tư phân tích và đánh giá rủi ro nên thanh khoản TPDN trên thị trường kém đi rất nhiều.
Yếu tố cuối cùng là cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu. Hiện tại, nhà đầu tư trái phiếu ở Việt Nam chủ yếu là các định chế tài chính, điển hình là ngân hàng, do đây là các tổ chức có vốn lớn và có năng lực đánh giá, định giá trái phiếu, đặc biệt là các loại TPDN vốn có rất ít thông tin để nhận định.
Tuy nhiên, trong khi TPCP được coi như một loại tài sản thanh khoản cao, chỉ xếp sau tiền mặt tại két (cash invault) và tiền và tương đương tiền (Cash&Cash equivalents), đồng thời không bị giới hạn về khối lượng nắm giữ, thì TPDN được tính như một khoản tín dụng và bị giới hạn bởi trần tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho từng ngân hàng. Điều này làm hạn chế đáng kể nhu cầu đầu tư TPDN.
Giải pháp để phát triển bền vững thị trường TPDN
Có thể thấy những lý do chính cản trở sự phát triển thị trường TPDN là: chưa có xếp hạng tín nhiệm; thiếu minh bạch thông tin và những tổ chức thu thập số liệu giao dịch TPDN; cơ cấu nhà đầu tư còn bó hẹp, chủ yếu là định chế tài chính với những giới hạn về tỷ lệ nắm giữ TPDN.
Vì vậy, giải pháp căn cơ lâu dài là cần phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường TPDN, bao gồm thành lập tổ chức thu thập thông tin doanh nghiệp, thống kê giao dịch TPDN hàng ngày để minh bạch hóa thị trường.
Hiện tại, trên trang web của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có một mục riêng dành cho TPDN, song thông tin còn rất hạn chế. Có lẽ cần đưa ra những quy định về lưu ký tập trung TPDN trên sở giao dịch để cơ quan này có thể thu thập tốt hơn thông tin về tình hình doanh nghiệp, cũng như quy mô giao dịch TPDN hàng ngày. Nghĩa là chuyển tính phi tập trung của đa phần TPDN thành tập trung và được quản lý bởi các cơ quan nhà nước. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng theo dõi nhu cầu mua bán hàng ngày, tăng độ chuyên nghiệp của thị trường.
Ngoài ra, cần có quy định về chuẩn mực báo cáo tài chính và công bố thông tin định kỳ, điển hình như sử dụng chuẩn mực báo cáo theo IFRS, vốn đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đồng thời, cần phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín để đưa ra đánh giá trái phiếu một cách khách quan, theo thông lệ quốc tế. Việc áp dụng các báo cáo theo chuẩn mực quốc tế cũng giúp nâng cao xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
Cuối cùng là đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư TPDN. Nếu những giải pháp trên thực hiện được thì có lẽ cơ cấu nhà đầu tư sẽ tự động được mở rộng và TPDN sẽ là một kênh đầu tư tiềm năng của khu vực dân cư. Thực tế - nhà đầu tư trái phiếu chính - các định chế tài chính - là điểm sáng lớn của thị trường thứ cấp TPDN trong những năm qua. Bởi không chỉ là đối tượng chính mua TPDN, các định chế tài chính còn trở thành các đại lý nòng cốt để bán TPDN đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác. Vì vậy, bán trái phiếu qua các định chế tài chính là giải pháp ngắn hạn hiệu quả để mở rộng tệp nhà đầu tư TPDN.
Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các định chế tài chính, đặc biệt là ngân hàng, như một kênh trung gian để bán trái phiếu trên thị trường cấp 1. Đây là biện pháp không chỉ hỗ trợ phát triển thị trường TPDN mà còn giúp phân tán lượng TPDN tồn tại trên bảng cân đối của các ngân hàng sang các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác, giảm thiểu rủi ro tập trung tín dụng trong hệ thống trung gian tài chính.