|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường tiền tệ ủng hộ chứng khoán

21:15 | 14/01/2017
Chia sẻ
Có hai yếu tố luôn ảnh hưởng trực tiếp đến chứng khoán, đó là tỷ giá và lãi suất. Khi tỷ giá biến động mạnh vào đầu tháng 11-2016, đã có những lo ngại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nâng lãi suất tiền đồng, dùng công cụ lãi suất như một chiếc neo để ổn định tỷ giá trong một mục tiêu nhất định. Do đó nhìn về dài hạn, năm 2017 mặt bằng lãi suất có thể tăng.
Ảnh minh họa

Củng cố cho quan điểm trên, lạm phát trong hai tháng cuối năm ngoái đã “nhảy” tương đối khá do tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với sự đi lên của giá dầu thô quốc tế. Thế nhưng từ tuần thứ ba của tháng 12-2016, tỷ giá bắt đầu dịu lại và lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng sau khi đạt đỉnh 4,8%/năm đối với kỳ hạn qua đêm đã dần “nguội” bớt.

Đợt thử thách vừa qua của tỷ giá đã cho thấy NHNN tỏ ra cứng rắn và cứng tay. Cơ quan quản lý chủ động đẩy lãi suất tiền đồng, nhưng không quá ngưỡng 5%/năm. Vượt qua ngưỡng này có thể tạo tiền đề không tốt cho định hướng hạ lãi suất lâu dài, mà đích đến là khoảng 5%/năm dành cho đầu ra vào năm 2020. Mỗi khi lãi suất tiệm cận mức đánh dấu đỏ, tiền đồng lại được bơm ra mạnh.

Cùng với đó NHNN bán ra ngoại tệ can thiệp. Bộ phận nghiên cứu phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong bản tin tuần gửi cho khách hàng cho biết đã có khoảng một tỉ đô la Mỹ được NHNN bán ra để cân đối cung cầu thị trường kể từ đầu tháng 11-2016. Con số một tỉ đô la Mỹ có thể chấp nhận được so với dự trữ ngoại hối 41 tỉ đô la Mỹ mà chúng ta đang có. Ngoài ra, tỷ giá hạ nhiệt còn do việc tất toán trạng thái kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào cuối năm đã thực hiện xong. Hiện tại kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng khá yên ắng sau khi NHNN bán ra và có thể còn tiếp tục bán. Có ngày giá niêm yết đô la Mỹ chuyển khoản bán ra của các ngân hàng đã xuống 22.600 đồng/đô la Mỹ.

Nếu có gì cần phải lưu ý, thì đó là tỷ giá tự do trong những tháng qua đã đứng ở mức cao dài ngày và giữ khoảng cách không nhỏ so với giá của ngân hàng. Hiện tỷ giá thị trường tự do đã lùi về dưới 23.000 đồng/đô la Mỹ, nhưng nó vẫn là hiện tượng bất thường so với chính nó. Từ tháng 10-2016 trở về trước, tỷ giá tự do luôn chạy theo tỷ giá ngân hàng và gần như mọi thời điểm đều thấp hơn giá ngân hàng. Vừa rồi nó đã bứt phá nhanh hơn và mạnh hơn giá của các TCTD, chứng tỏ nhu cầu mua đô la mặt có thật.

Vậy ai mua đô la mặt? Có sự dịch chuyển từ tiền đồng sang đô la Mỹ. Tuy nhiên sự dịch chuyển không trở thành làn sóng. Các ngân hàng cho biết huy động ngoại tệ không tăng bao nhiêu so với thời gian tỷ giá “lững lờ trôi”. Việc gom ngoại tệ mặt để nhập vàng lậu cũng có, song rất yếu. Nhu cầu mua vàng tiếp tục đứng ở mức thấp.

Trao đổi với một số ngân hàng, họ cho biết một tỷ lệ khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tiền đồng với số lượng hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng/sổ trở lên đã rút tiền ra, hoặc rút hết, hoặc rút nhiều hơn bình thường. Đại diện bộ phận ngân quỹ một ngân hàng cho biết những cá nhân này sau khi rút tiền đồng đã mua ngoại tệ nhưng không gửi ngoại tệ vào ngân hàng mà chuyển đi nước ngoài. Việc chuyển ngoại tệ không chỉ theo con đường chính thức mà có thể cả tiểu ngạch.

Trên thực tế không loại trừ khả năng ở đây có mối liên quan giữa sự giảm giá quá nhanh vừa qua của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ. Có thể đồng tệ qua con đường buôn bán tiểu ngạch vào Việt Nam, sau đó thay vì đổi ra tiền đồng gửi vào ngân hàng hưởng lãi suất như trước đây, nó đã được chuyển đổi thành đô la Mỹ và chuyển ngược ra. Trong suốt tháng 12-2016, nhiều ngày đồng tệ liên tục đứng ở mức 6,95 tệ/đô la Mỹ, mức kỷ lục kể từ năm 2011. Không biết có phải ngẫu nhiên, đấy cũng là thời điểm tỷ giá tự do có lúc lên 23.800- 23.900 đồng/đô la Mỹ.

Hiện tại cầu ngoại tệ cả trong ngân hàng và thị trường tự do đã chững lại. NHNN một lần nữa khẳng định tại Hội nghị ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2017 là sẽ nỗ lực giữ và hạ lãi suất trong điều kiện cho phép. Một trong những điều kiện để giảm lãi suất là đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bởi giải quyết nợ xấu giúp giảm giá thành vốn huy động, qua đó giảm lãi suất cho vay.

Một yếu tố khác là nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ năm nay của Kho bạc Nhà nước tương đối nhẹ nhàng. Năm ngoái Bộ Tài chính đã phát hành 281.750 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2017 lượng trái phiếu đáo hạn chỉ có 98.500 tỉ đồng và Kho bạc Nhà nước có lẽ chỉ cần phát hành đủ để bù đắp khối lượng đáo hạn. Với nhu cầu phát hành thấp, lãi suất trái phiếu khó mà tăng. Các ngân hàng sẽ không phát triển tín dụng bằng mọi giá, nhu cầu vốn đầu vào ở mức vừa phải sẽ tạo điều kiện để lãi suất tiền gửi đi xuống.

Như vậy, thị trường tiền tệ đang ủng hộ cho một thị trường chứng khoán tăng trưởng trong năm con gà. Phần còn lại, VN-Index tăng trưởng được không, tăng trưởng đến đâu phụ thuộc vào chính sách và quyết sách điều hành của cơ quan tài chính.

Thành Nam

Dự phóng KQKQ quý III: Bán lẻ, năng lượng và khu công nghiệp bứt phá, thêm một quý buồn của nhóm BĐS
Trái với đà bứt phá của một số ngành trong quý III, MBS dự báo lợi nhuận nhóm bất động sản có thể suy giảm trong quý này do còn thiếu vắng các dự án mở bán hay nhóm dầu khí đến từ kết quả kém tích cực của doanh nghiệp hạ nguồn.