|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa 6/11: Bộ trưởng NN&PTNT trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội, Arab Saudi tăng giá dầu bán cho châu Á

18:59 | 06/11/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa hôm nay nổi bật với thông tin Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) trả lời chất vấn từ các đại biểu Quốc hội về các vấn đề nổi bật trong ngành.

Bộ trưởng NN&PTNT: 'Gạo phải trở thành thực phẩm, dược phẩm'

Giải đáp câu hỏi về sự bấp bênh của giá lúa, cũng như biện pháp nâng cao giá trị, lợi nhuận ngành lúa, gạo từ đại biểu Quốc hội Chau Chắc đến từ An Giang, Bộ trưởng nhận định lúa gạo là ngành hàng rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao.

Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên những nhóm giống để phù hợp với phân khúc thị trường; nâng chuỗi giá trị ngành lúa, gạo cao lên.

Dẫn lời Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nhận định lúa gạo không còn chỉ là gạo bán, mà còn phải trở thành thực phẩm, dược phẩm.

Ví dụ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết dầu cám gạo có giá trị cao hơn cả sản lượng gạo tự nhiên, vậy nên tập trung vào hướng này. Các doanh nghiệp và người nông dân tại các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang tập trung đi hướng này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT 'bày kế' gỡ khó khủng hoảng giá tiêu 

Về vấn đề khủng hoảng thừa hạt tiêu trong những năm gần đây, trả lời chất vấn đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sản lượng hạt tiêu của Việt Nam chiếm tới 60% tổng sản lượng tiêu trên toàn thế giới.

"Để phát triển lợi thế cây tiêu, chúng ta chỉ sản xuất ở mức độ nào đó thôi. Qui hoạch chỉ 50.000 ha, trong khi diện tích thực tế diện tích gấp 3 lần qui hoạch lên 150.000 ha. Do đó, những diện tích không hiệu quả cần phải chuyển sang cây khác", Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng cũng cho biết thêm vừa qua Bộ cũng đã kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân để chế biến sâu sản phẩm tiêu với 10 mặt hàng khác nhau, trong đó có dầu hạt tiêu.

Bộ trưởng NN&PTNT: Dịch ASF tạo ra cuộc khủng hoảng thực phẩm chưa từng có trong lịch sử 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, kể từ xuất hiện tại Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi đã lan sang 28 quốc gia trong thời gian ngắn, với thông tin thế giới thiệt hại tới 30% đàn heo.

Như vậy, dịch bệnh đang tạo ra cuộc khủng hoảng thực phẩm từ trước đến nay chưa từng có, người đứng đầu Bộ NN&PTNT nhận định.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng ngày 6/11, Bộ trưởng cho biết ngay từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, Bộ đã chủ trì hội nghị toàn quốc để cảnh báo trước về dịch bệnh và chuẩn bị sẵn các kịch bản phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn bùng phát vào tháng 2/2019 và đã lan ra trên cả nước. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng thiệt hại là 5,7 triệu con heo, tương đương 8,5% tổng sản lượng thịt heo của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: 'Năng suất cây mía phải tăng lên 80 - 100 tấn thì mới cạnh tranh được' 

Tại phiên chất vấn chiều ngày 6/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Thanh Hiền, tỉnh Nghệ An về ngành mía đường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng mía đường là một trong những sản phẩm đảm bảo an ninh lương thực thông qua đồ uống và nhu cầu khác nhưng hiện nay đang rất khó khăn.

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết nhóm giải pháp đưa ra là Bộ cùng Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ tập trung rà soát các khâu.

"Riêng khâu giống mục tiêu đưa ra là hệ thống giống 3 cấp, cố gắng trong thời gian ngắn nhất khoảng 2 - 3 năm phủ kín 100% diện tích để đẩy năng suất cây mía từ 66 tấn lên 80 - 100 tấn thì mới cạnh tranh được. Cùng với đó là cơ khí hóa tại những địa hình cho phép", ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Nhóm giải pháp thứ hai được Bộ trương đưa ra là phải cơ cấu lại nhà máy đường.

Arab Saudi nâng giá dầu thô giao tháng 12 sang châu Á 

Arab Saudi đã tăng dầu bán chính thức đối với dầu thô nhẹ Arab giao tháng 12 cho khách hàng châu Á thêm 0,4 USD/thùng so với tháng 11, theo đó cộng 3,4 USD/thùng so với giá dầu Oman/Dubai trung bình.

Theo công ty dầu quốc gia Aramco, Arab Saudi cũng tăng giá bán chính thức dầu thô nhẹ Arab cho Tây Bắc châu Âu trong tháng 12, tăng 2,8 USD/thùng so với tháng 11, nhưng ghi nhận ở mức trừ lùi 0,05 USD/thùng đối với giá dầu thô Brent.

Giá bán chính thức của dầu thô nhẹ Arab sang Mỹ dự kiến ở mức cộng 3,35 USD/thùng so với chỉ số Argus Sour Crude Index (ASCI) trong tháng 12, tăng 40 US cent so với tháng 11.

Tố Tố

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.