|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa 24/4: Người Việt có thể thiếu heo vì dịch ASF, xuất khẩu cà phê Ấn Độ dự đoán tiếp tục giảm mạnh

18:38 | 24/04/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa hôm nay nổi bật với thông tin Phó Chủ tịch Vissan nhận định người Việt sẽ thiếu thịt heo sạch vì dịch tả heo châu Phi. Xuất khẩu cà phê sang Ấn Độ 'sụt' gần một nửa, dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Khẩn trương khắc phục 'thẻ vàng' IUU trước khi EC 'rút thẻ đỏ' đối với hải sản Việt Nam

Liên quan đến 9 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác của Việt Nam để đảm bảo khai thác một cách bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Về tích cực, chúng ta nhìn nhận đây là cơ hội, các khuyến nghị này trùng với quyết tâm của chúng ta nhằm xây dựng nghề cá bền vững".

"EU cũng đã ghi nhận những kết quả Việt Nam đã đạt được. Theo đó, những vụ vi phạm khai thác bất hợp pháp ở quốc đảo Thái Bình Dương không còn nữa và đã hoàn thiện phần lớn khung khổ pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Phó Chủ tịch Vissan: Người Việt sẽ thiếu thịt heo sạch vì dịch tả heo châu Phi

 Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 sáng nay của CTCP Tập đoàn Masan (MSN), lãnh đạo tập đoàn nhận định hệ quả của dịch tả heo châu Phi sẽ khiến người Việt Nam thiếu thịt sạch để sử dụng.

Cụ thể, đánh giá về thị trường thịt heo Việt Nam trước bối cảnh dịch tả heo châu Phi (ASF) xâm nhập thời gian qua, ông Phạm Trung Lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan), Thành viên Hội đồng quản trị Masan Nutri- Science, cho rằng: "Người Việt Nam sẽ thiếu thịt sạch để dùng".

Sản lượng đường bang Maharashtra vượt mức kỉ lục 10,7 triệu tấn trong 10 năm

Tính đến thứ Sáu (19/4), trong số 195 nhà máy sản xuất đườngT, chỉ có 5 nhà máy đang hoạt động. Bang Maharashtra đã dự kiến nghiền gần 95,2 triệu tấn mía và sản xuất 10,7 triệu tấn đường. Đúng như dự đoán, khu vực Kolhapur, với các quận Kolhapur và Sangli, đã ghi nhận sản lượng đường cao nhất ở mức 2,7 triệu tấn. Cuối niên vụ 2018 - 2019, sản xuất của tiểu bang này tăng trưởng 11,25% so với niên vụ trước.

Niên vụ mới bắt đầu, những lo ngại về hạn hán và sâu bệnh hại mía ở một số nơi trong tiểu bang lại gia tăng. Sản lượng mía trong mùa này ước tính ở mức 9 - 9,1 triệu tấn. Người dân lo ngại rằng việc sản xuất ở Marathwada, Ahmednagar và Solapur sẽ bị ảnh hưởng.

Xuất khẩu cà phê sang Ấn Độ 'sụt' gần một nửa, dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Ấn Độ đạt 95,31 triệu USD, giảm 14% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, mặt hàng cà phê ghi nhận mức giảm mạnh nhất tối 41,9%.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nhận định: "Do nguồn cung cà phê nội địa Ấn Độ lạc quan hơn dự kiến nên xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này có thể giảm trong thời gian tới".

Tiền Giang: Giá lúa gạo tăng mạnh, thương lái dự trữ lãi cao

 Những ngày gần đây, giá lúa gạo tại tỉnh Tiền Giang tăng cao khiến doanh nghiệp, thương lái và người nông dân phấn khởi.

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa giống 50404 giá 4.600 đồng/kg, lúa 6979 giá 4.800 đồng/kg tăng từ 300-500 đồng/kg so với tháng trước.  Riêng các loại gạo giá cũng tăng  từ  800 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, gạo giống 5451 giá 10.600 đồng/kg, gạo 2517 giá từ 9.700 - 10.000 đồng/kg.

Cơ hội xuất khẩu trực tiếp hàng Việt qua kênh phân phối AEON Nhật Bản

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON Nhật Bản do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn AEON Nhật Bản tổ chức tại TP HCM ngày 23/4.

Cụ thể, tại hội thảo, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam cho biết, xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản tăng trưởng tốt trong những năm qua nhưng có tới khoảng 70% các sản phẩm này là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam.

Đức Quỳnh