|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Khẩn trương khắc phục 'thẻ vàng' IUU trước khi EC rút 'thẻ đỏ' đối với hải sản Việt Nam

17:41 | 24/04/2019
Chia sẻ
Sau thời gian đưa ra cảnh báo "thẻ vàng", sắp tới đây, EC sẽ tiếp tục kiểm tra và nếu kết quả không đáp ứng được các khuyến nghị thì nguy cơ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ" đối với hải sản Việt Nam là rất cao.

Khai thác hải sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp

Liên quan đến 9 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác của Việt Nam để đảm bảo khai thác một cách bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: "Về tích cực, chúng ta nhìn nhận đây là cơ hội, các khuyến nghị này trùng với quyết tâm của chúng ta nhằm xây dựng nghề cá bền vững".

"EU cũng đã ghi nhận những kết quả Việt Nam đã đạt được. Theo đó, những vụ vi phạm khai thác bất hợp pháp ở quốc đảo Thái Bình Dương không còn nữa và đã hoàn thiện phần lớn khung khổ pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tuy nhiên, còn 4 nội dung mà EC khuyến nghị vẫn chưa đáp ứng, trong đó nổi lên là tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn tiếp diễn.

Cụ thể, theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản, trong năm 2018 đã xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại các nước gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Brunei. 

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Thuận.

Khẩn trương khắc phục thẻ vàng IUU trước khi EC rút thẻ đỏ đối với hải sản Việt Nam - Ảnh 1.

Nguy cơ tất cả sản phẩm thủy hải sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU nếu "thẻ đỏ" áp dụng.

Nguyên nhân là các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thực hiện chưa nghiêm, nhiều địa phương chưa xử phạt hoặc xử phạt không đáng kể so với số vụ việc vi phạm. 

Hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lí để xử lí các hành vi khai thác IUU trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, nên tình trạng khai thác IUU ở vùng biển ven bờ vẫn còn diễn ra phổ biến.

Bên cạnh đó, các vấn đề mà EC khuyến nghị vẫn chưa đáp ứng là diễn biến phức tạp và hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

"Các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi, cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng; nguồn nhân lực cho quản trị… còn rất nhiều vấn đề", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

Đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" của EC

Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra và nếu kết quả không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ" là rất cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc khi EC vào kiểm tra thì ngoài hệ thống pháp luật, văn bản điều hành... thì phải quyết liệt đẩy manh hơn nữa các giải pháp thực hiện, có như vậy, chúng ta mới có thể khắc phục được "thẻ vàng" của EC trong thời gian tới".

Theo Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tình hình vi phạm khai thác thuỷ sản tại vùng biển nước ngoài hiện rất phức tạp. Nhiều trường hợp ngư dân Việt Nam còn làm giả biển tàu của Malaysia, Campuchia… 

Vì vậy, đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị cần có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp tàu cá, ngư dân đánh bắt thuỷ sản bất hợp pháp. Trong đó, không loại trừ xem xét, áp dụng Bộ luật hình sự để xử lý trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần.

Khẩn trương khắc phục thẻ vàng IUU trước khi EC rút thẻ đỏ đối với hải sản Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ NN&PTNT đang triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia biển với 28 tỉnh duyên hải/63 tỉnh thành phố có biển, từ lâu Việt Nam đã hình thành nghề kinh tế, khai thác và thương mại về thủy sản trong đó có hải sản, góp phần quan trọng vào xuất khẩu của ngành nông nghiệp nói chung, đồng thời mang lại kết quả kinh tế cho các địa phương ven biển.

Theo đó, để phát triển ngành cá bền vững, có trách nhiệm, thời gian tới cần tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Luật Thuỷ sản, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan tới chống khai thác IUU. 

Ngoài ra, tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng bộ hoá cơ sở dữ liệu nghề cá VN-FISHBASE trong tháng 5/2019.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị 28 tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương hoàn thành cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu cá xong trước tháng 7/2019, nghiêm túc thu hồi giấy phép tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.


Như Huỳnh