|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nếm 'trái đắng' vì đánh bắt hải sản trái phép

17:45 | 23/04/2019
Chia sẻ
Tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở một số vùng biển nước nước khác đang là vấn đề nhức nhối. Nhiều trường hợp ngư dân bị bắn trọng thương vì hành động này.

Dự kiến EC sẽ sang đánh giá IUU của Việt Nam vào cuối tháng 5 - đầu tháng 6

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết từ năm 2012 đến nay, đã có 25 nước bị cảnh báo thẻ. Trong đó, 19 nước bị cảnh báo thẻ vàng và 6 nước bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ.

Nếm trái đắng vì đánh bắt hải sản trái phép - Ảnh 1.

Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu. Ảnh: Đức Quỳnh.

Đến nay, đã có 14 nước gỡ được thẻ trong đó có Thái Lan và Philippines. Để gỡ thẻ vàng, Thái Lan đầu tư khoảng 125 triệu USD trong gần 4 năm để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC và thực hiện cải tổ bộ máy, tổ chức thêm 10 đầu mối để kiểm soát nghề cá với khoảng gần 2.000 cán bộ.

Còn đó với Philippines, nước này đầu tư khoảng 10 triệu euro trong 11 tháng để triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU).

Đối với Việt Nam, ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác IUU của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá.

Khi bị cảnh báo thẻ vàng, sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang bị kiểm tra rất chặt, kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường Châu âu (EU).

Ngay sau khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp quyết liệt để khắc phục các khuyến nghị của EC.

Trong đó, Luật Thủy sản được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4 năm 2017 đã nội luật hóa các quy định của Điều ước quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Trong quá trình xây dựng Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham vấn ý kiến của EC. Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn luật được xây dựng theo hướng đổi mới về tư duy quản lí ngành theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của EC (DG-Mare) sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC. 

Dự kiến cuối tháng 5 - đầu tháng 6, Đoàn tiếp tục vào kiểm tra thực hiện 4 nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Nhiều biện pháp "rắn" ngăn chặn tàu cá trái phép của Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở một số vùng biển nước nước khác đang là vấn đề nhức nhối. Vừa qua, Thái Lan đã tổ chức hội nghị với chủ đề đánh bắt trái phép của các nước. 

Trong đó, riêng của Việt Nam, vi phạm tàu cá của bà con ngư dân phổ biến ở các vùng biển Indonesia, Philippines, Thái Lan là thường xuyên. Đặc biệt, đáng báo động nhất là tình trạng đánh bắt trái phép của tàu cá Việt Nam tại Indonesia và Malaysia.

Ông Dũng chia sẻ năm 2017, cảnh sát biển Việt Nam phải 2 lần đón ngư dân do Indonesia bắt giữ vì hành vi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển quốc gia này. Theo đó, lần 1 nước này trao trả 700 ngư dân và lần 2 là 300 ngư dân. Thậm chí, nhiều ngư dân vẫn tiếp tục tái phạm.

"Hiện nay, phía Indonesia cũng đang rất căng thẳng và quyết liệt xử lí hành vi đánh bắt trái phép. Lực lượng thực thi pháp luật xử lí rất "rắn"; trong đó có hải quân và cảnh sát biển sử dụng cả hình thức phạt tù hoặc thậm chí bắn tàu. Một số trường hợp ngư dân Việt Nam bị bắn trọng thương", ông Dung nói

Trước tình trạng này, lực lượng hải quân Việt Nam đã có tàu trực ở khu vực giáp danh vùng biển Việt Nam và các nước nước khác để thường xuyên nhắc nhở bà con nông dân không được đánh bắt bất hợp pháp.

Thậm chí, lực lượng hải quân Việt Nam đã có biện pháp răn đe, phạt hiện tượng bà con vi phạm vùng biển của các nước nói chung và vùng biển Indonesia. 

"Một số trường hợp lực lượng hải quân, cảnh sát biển Việt Nam đã kịp thời can thiếp khi lực lượng thực thi pháp luật của Indonesia có hình thức xử lí thô bạo bà con ngư dân của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều khi phía Indonesia cho rằng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam đang bảo hộ cho ngư dân. Phía lực lượng chức năng đã thanh minh là đã nhắc nhờ, giáo dục bà con", ông Dũng nói.

Còn ở Malaysia, một số ngư dân sang đánh bắt trái phép bằng cách làm giả biển số tàu của nước này. Tuy nhiên, nước bạn đã có cách phát hiện, bắt rất nhiều ngư dân, và giữ phương tiện. Chính phủ Malaysia rất quan tâm và đưa ra Quốc hội vấn đề này. 

"Trước đó, đoàn thực thi pháp luật trên biển Malaysia sang Việt Nam họp song phương với cảnh sát biển Việt Nam và có tặng một bức ảnh trong đó có chụp biểu tượng cảnh sát biển Việt Nam và Malaysia với dòng chữ "come back home" (Trở về nước). Đồng thời, hai bên trao đổi xúc tiến kí hiệp định thư trong nay. Tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại một số vướng mắc nên chưa thể kí được", ông Dũng cho hay.


Đức Quỳnh

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.