Xuất khẩu cà phê sang Ấn Độ 'sụt' gần một nửa, dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới
Xuất khẩu cà phê sang Ấn Độ quý I giảm gần một nửa
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Ấn Độ đạt 95,31 triệu USD, giảm 14% so với cùng kì năm 2018. Trong đó, mặt hàng cà phê ghi nhận mức giảm mạnh nhất tối 41,9%.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nhận định: "Do nguồn cung cà phê nội địa Ấn Độ lạc quan hơn dự kiến nên xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này có thể giảm trong thời gian tới".
Thêm vào đó, theo trang The Hindu, Ấn Độ đang lên kế hoạch và triển khai chiến dịch tiêu thụ cà phê để cải thiện tình trạng hiện tại của người nông dân trên toàn cầu, những người phải chịu thiệt hại tài chính nặng nề do giá cà phê giảm và chi phí lao động tăng vọt.
Sản lượng cà phê của Ấn Độ trong niên vụ 2018-2019 dự báo tăng hơn 1% lên 319.000 tấn so với niên vụ 2017 - 2018. Sự gia tăng này là được cho là nhờ sản lượng cà phê robusta tăng cao, mặc dù mưa lớn ảnh hưởng đến vụ mùa ở Karnataka, tỉnh sản xuất cà phê chính của Ấn Độ.
Sản lượng cà phê arabica dự kiến đạt 95.000 tấn, tương đương với sản lượng năm ngoái, trong khi sản lượng cà phê robusta tăng nhẹ từ 221.000 tấn lên 224.000 tấn. Vụ thu hoạch cà phê arabica gần như đã kết thúc, trong khi thu hoạch cà phê robusta vẫn đang diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau.
Đề nghị Ấn Độ giảm 50% thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cà phê
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết hiện nay, Việt Nam đề nghị Ấn Độ xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với nông sản Việt Nam hiện ở mức rất cao như hồ tiêu (51%), cà phê (50%), thủy sản đông lạnh (30%), thanh long, nhãn (30%), điều chế biến (18-30%) để góp phần cân bằng cán cân thương mại nông sản hai chiều và phản ánh đúng thực tế mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đề xuất hai nước đàm phán và kí kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kiểm tra và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với hàng nông thủy sản nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại song phương. Hai bên thống nhất cử đầu mối để duy trì kênh thông tin liên lạc và tăng cường đối thoại về chính sách thương mại liên quan đến hàng nông thủy sản.