|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu mỏ có thể ổn định từ nay đến cuối năm

07:41 | 27/06/2023
Chia sẻ
Gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco cho rằng thị trường dầu mỏ có thể ổn định từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, một số công ty khác lại có quan điểm trái chiều khi cho rằng nhu cầu vẫn yếu và giá sẽ vẫn chịu sức ép.

Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn năng lượng Saudi Aramco, ông Amin Nasser cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ giữ ổn định từ nay đến cuối năm do nhu cầu từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bù đắp rủi ro suy giảm nhu cầu ở các thị trường khác, theo Reuters.

Phát biểu tại Hội nghị Năng lượng Châu Á do công ty dầu mỏ nhà nước Petronas của Malaysia tổ chức, ông Nasser lưu ý rằng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là động lực chính cho nhu cầu dầu toàn cầu.

"Bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ở một số nước OECD, nền kinh tế của các nước đang phát triển - đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ - đang thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu lành mạnh hơn 2 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay," ông nói.

Đầu năm nay, giám đốc điều hành của Aramco đã cảnh báo thị trường dầu mỏ đang khan hiếm và tình trạng thiếu hụt có thể đang diễn ra. Tuy nhiên, kể từ đầu năm, khi ông đưa ra những bình luận đó, lo ngại về lạm phát và suy thoái kinh tế đã gây sức ép khiến giá dầu xuống bất chấp nguy cơ nguồn cung suy giảm có thể xảy ra.

“Nhìn chung, chúng tôi tin rằng các yếu tố cơ bản của thị trường dầu mỏ nhìn chung vẫn ổn định trong thời gian còn lại của năm”, ông Nasser nói.

Ông nói thêm, mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với những cơn gió ngược về kinh tế, nhưng lĩnh vực vận tải và hóa dầu vẫn có dấu hiệu tăng trưởng nhu cầu.

Giá dầu Brent giao sau giảm khoảng 14% kể từ đầu năm đến nay do lãi suất tăng ảnh hưởng đến nhu cầu của nhà đầu tư, trong khi đà phục hồi kinh tế đầy hứa hẹn của Trung Quốc đã chững lại sau vài tháng. Điều này thể hiện qua dữ liệu thị trường bất động sản, sản xuất và tiêu dùng thấp hơn dự kiến.

Nguồn cung dầu thô từ Nga và Iran cũng tăng bất chấp lệnh trừng phạt của các nước, bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và các thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Tuy nhiên, trái với quan điểm của của ông Amin Nasser tại hội nghị, giám đốc điều hành của một số công ty năng lượng cảnh báo nhu cầu về xăng dầu và các chế phẩm từ dầu mỏ sẽ chậm lại trong quý II và công suất nhà máy lọc dầu ngày càng tăng đang gây áp lực lên thị trường.

Ông Russell Hardy, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh dầu mỏ tư nhân Vitol, cho biết những yếu tố bất ổn về nguồn cung của Nga và nhu cầu của Trung Quốc khiến việc dự báo cân bằng thị trường trở nên khó khăn hơn.

Ông nói: “Phía cung đang tăng dần lên, đặc biệt là Nga, nơi từng được dự đoán sản lượng sẽ giảm do khó đưa dầu ra thị trường vì các lệnh trừng phạt”.

Ông Sazali Hamzah, phó chủ tịch điều hành và giám đốc điều hành của Petronas, kém lạc quan hơn, khi cho rằng nhu cầu về xăng dầu và hóa dầu bắt đầu chậm lại trong quý II mặc dù mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay đã phục hồi. Ông cho rằng công suất lọc dầu mới khi vào hoạt động trong năm nay sẽ gây "rất nhiều áp lực lên thị trường".

Ông nói thêm: “Chúng tôi tin rằng trong nửa cuối năm nay nhu cầu yếu và điều đó sẽ kéo dài sang một phần của năm tới”.

Giám đốc điều hành của Vitol và Petronas cùng nhận định rằng nhu cầu dầu có thể đạt đỉnh vào khoảng năm 2030.

Ông Hardy cho biết: “Chúng tôi cho rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2030 và giảm dần cho đến năm 2040… Và sau đó, nhu cầu sẽ suy giảm nhanh chóng sau đó do làn sóng xe điện phát triển và quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra”.

Ông Hamzah cho biết Petronas sẽ tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng khí đốt tự nhiên; tìm giải pháp giảm thiểu carbon, song song với việc khám phá các năng lượng tái tạo khác như nhiên liệu sinh học trong trung hạn và hydro trong dài hạn.

Công ty đang thí điểm trên một nhà máy và lên kế hoạch cho nhà máy lọc dầu sinh học đầu tiên vào năm 2026.

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.