|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 30/3: VN-Index mất gần 35 điểm, HPG ngược dòng tăng giá

10:19 | 30/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần 30/3 tiếp tục lao dốc trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp tại Việt Nam và thế giới, số ca dương tính tiếp tục tăng nhanh.

Xem thêm: Thị trường chứng khoán 31/3

Kết phiên, VN-Index giảm 33,8 điểm (4,86%) xuống 662,26 điểm; HNX-Index giảm 4,18% xuống 93,28 điểm; UPCoM-Index mất 2,5% xuống 47,6 điểm.

Thị trường diễn biến ảm đạm trong phiên chiều, xu hướng giảm giá vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Áp lực bán vẫn diễn ra tại hầu hết nhóm ngành như ngân hàng, dầu khí, dệt may, cảng biển, chứng khoán, hàng không.

Mặc khác, lực cầu vẫn đứng ngoài thị trường khiến thanh khoản ở mức thấp. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 294,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị 4.068 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 375,2 tỉ đồng.

Độ rộng thị trường tiêu cực với 578 mã giảm giá so với chỉ 139 mã tăng giá, trong đó có 168 mã giảm sàn. Riêng nhóm VN30 chứng kiến 10 mã giảm sàn, tập trung tại các cổ phiếu ngân hàng như VPB, TCB, STB, MBB, CTG.

Trong khi đó, đà phục hồi đã xuất hiện tại một số mã vốn hóa lớn như VIC hay MWG. Tích cực hơn, cổ phiếu HPG đảo chiều tăng 0,9% trong nửa cuối phiên chiều. Các cổ phiếu ngành y tế cũng ngược dòng tăng giá như DP1, DNM, CDP, DHT, DP3.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 34,8 điểm (5%) xuống 661,26 điểm; HNX-Index giảm 4,44% xuống 93,03 điểm; UPCoM-Index mất 2,42% xuống 47,64 điểm.

Thị trường vẫn giảm mạnh trong phiên chiều, dù vậy tín hiệu hồi phục đã xuất hiện tại một số cổ phiếu. Cổ phiếu HPG đảo chiều tăng 0,3% lên 16.250 đồng/cp; hai mã REE và MSN chỉ còn giảm dưới 1%. Trong khi đó, cổ phiếu họ Vingroup VIC, VHM, VRE và nhóm bán lẻ MWG, PNJ vẫn giảm sàn.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 36,89 điểm (5,3%) xuống 659,17 điểm; HNX-Index giảm 4,65% xuống 92,82 điểm; UPCoM-Index mất 2,34% xuống 47,68 điểm.

Phiên giao dịch buổi sáng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khi các chỉ số đều giảm sâu. Toàn thị trường chứng kiến 546 mã giảm giá, trong đó có tới 155 mã giảm sàn; ngược lại chỉ 97 mã giữ được sắc xanh.

Áp lực bán diễn ra tại hầu hết nhóm ngành, trong đó ba cổ phiếu "họ Vingroup" giảm sàn khiến thị trường mất hơn 9 điểm. Nhiều mã bluechips cũng giảm sàn và dư bán khối lượng khủng như MWG, VPB, PNJ. Đà giảm cũng lan rộng sang các nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản, chứng khoán, hàng không.

Cổ phiếu "họ FLC" vẫn tiếp tục chuỗi giảm sàn. Cổ phiếu FLC rơi xuống vùng giá thấp nhất lịch sử, trong khi bộ đôi HAI, AMD nằm sàn 8 phiên liên tiếp.

Với tâm lí lo ngại dịch bệnh, lực cầu bắt đáy không tham gia mạnh khiến thanh khoản thị trường chỉ ở mức thấp. Hết phiên sáng, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 2.102 tỉ đồng, trong đó riêng giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 375 tỉ đồng.

Tính đến 10h50, VN-Index giảm 36,27 điểm (5,21%) xuống 659,79 điểm; HNX-Index giảm 4,25% xuống 93,24 điểm; UPCoM-Index cũng mất 2,31% xuống 47,69 điểm.

Thị trường vẫn tiếp tục bị chi phối bởi sắc đỏ và xanh sàn, trong khi đó lực cầu vẫn đứng ngoài khiến thanh khoản chỉ ở mức thấp, giá trị giao dịch hiện ở dưới ngưỡng 2.000 tỉ đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đều chứng kiến mức giảm trên 30 điểm. Độ chênh lệch âm với chỉ số cơ sở VN30 cũng lên đến trên 20 điểm cho thấy tâm lí lo ngại trong ngắn hạn của nhà đầu tư vẫn ở mức cao.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 33,59 điểm (4,83%) xuống 662,47 điểm; HNX-Index giảm 3,85% xuống 93,6 điểm; UPCoM-Index mất 1,97% xuống 47,86 điểm.

Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, áp lực bán khiến thị trường khứng khoán lập tức giảm sâu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Sắc đỏ chi phối thị trường với gần 500 mã giảm giá, trong đó 99 mã giảm sàn.

Nhóm VN30 cũng chìm trong sắc đỏ và xanh sàn. Cổ phiếu họ Vingroup sau nhưng phiên hồi phục cũng quay đầu giảm sâu, khiến thị trường mất gần 9 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu MWG tiếp tục giảm sàn xuống còn 58.900 đồng/cp.

Áp lực bán cũng diễn ra tại nhóm ngân hàng với TPB, VPB, KLB giảm sàn, nhiều mã giảm trên 5% như STB, CTG, BID, HDB, VCB, ACB. Nhóm dầu khí đồng loạt giảm mạnh sau khi giá dầu tiếp tục giảm hơn 3% trong bối cảnh nhu cầu giảm sút, cổ phiếu PVS rơi khỏi mức giá 10.000 đồng/cp.

Cổ phiếu "họ FLC" vẫn đồng loạt giảm sàn, trong đó bộ đôi HAI và AMD dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị. Riêng mã GAB tích cực nhất cũng giảm 5%.

Áp lực bán trên thị trường diễn ra sau khi số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng nay đã tăng lên con số 194. Mới đây, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo Tổng cục Đường bộ dừng hoạt động xe khách hợp đồng trên 9 chỗ để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 giữa Hà Nội, TP HCM với các địa phương.

Trên thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần trước cũng đồng loạt giảm sâu và đánh mất một phần mức tăng tích lũy được trong ba phiên giữa tuần. Tính chung cả tuần, các chỉ số đều tăng điểm nhưng vẫn chưa thoát khỏi vùng thị trường giá xuống (thị trường gấu).

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 915 điểm, tương đương 4,1% và đóng cửa ở 21.637 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 3,4% và kết phiên ở 2.541 điểm. Nasdaq Composite cũng giảm 3,7% trong phiên 27/3.

Sơn Tùng