|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones sụt hơn 900 điểm, chứng khoán Mỹ chưa thể thoát khỏi thị trường gấu

07:54 | 28/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27/3 đồng loạt giảm sâu và đánh mất một phần mức tăng tích lũy được trong ba phiên trước đó. Tính chung cả tuần, các chỉ số đề tăng điểm nhưng vẫn chưa thoát khỏi vùng thị trường giá xuống (thị trường gấu).
Dow Jones sụt hơn 900 điểm, chứng khoán Mỹ chưa thể thoát khỏi thị trường gấu - Ảnh 1.

Nhà giao dịch tại Sàn Chứng khoán New York (NYSE) trước khi sàn này phải tạm đóng cửa vì COVID-19. Ảnh: Getty Images.

Theo CNBC, tâm lí nhà đầu tư chuyển biến tiêu cực sau khi Mỹ vượt qua Trung Quốc và Italy để trở thành quốc gia có nhiều ca dương tính COVID-19 nhất thế giới trong ngày 27/3.

Tính đến sáng 28/3 theo giờ Việt Nam, theo Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm bệnh, trong khi Trung Quốc và Italy lần lượt có khoảng 81.000 và 86.000 ca.

Phiên 27/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 915 điểm, tương đương 4,1% và đóng cửa ở 21.637 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 3,4% và kết phiên ở 2.541 điểm. Nasdaq Composite cũng giảm 3,7%.

Trong ba phiên liên tiếp trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khởi sắc, Dow Jones có chuỗi ba phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 1931 và thu hẹp mức giảm từ đỉnh thiết lập hồi tháng 2. Tuy nhiên sau phiên lao dốc 27/3, các chỉ số lại rơi sâu hơn vào vùng thị trường gấu, tức là giảm trên 20% tính từ đỉnh.

Dow Jones sụt hơn 900 điểm, chứng khoán Mỹ chưa thể thoát khỏi thị trường gấu - Ảnh 2.

Biến động chỉ số chứng khoán Mỹ trong tháng 3.

Trong phiên 27/3, cổ phiếu Boeing sụt 10,3% và dẫn đầu đà đi xuống của Dow Jones sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết hãng chế tạo máy bay này sẽ không tìm kiếm sự cứu trợ của chính phủ. Các cổ phiếu thành phần Dow Jones khác là Chevron và Disney cùng giảm trên 8%.

Nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ lao dốc mạnh nhất chỉ số S&P 500 với mức giảm lần lượt là 6,9% và 4,6%. Trong đó, cổ phiếu năng lượng chịu áp lực bán mạnh khi giá dầu thô giảm 4,8%.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 12,8%, ghi nhận tuần tích cực nhất kể từ năm 1938. Chỉ số S&P 500 tăng 10,3% tuần qua, cao nhất kể từ tháng 3/2009. Chỉ số Nasdaq Composite cũng có tuần đi lên mạnh mẽ nhất trong 11 năm với mức tăng 9,1%.

Tuy vậy so với đỉnh thiết lập hồi tháng 2, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn giảm hơn 20% và đang trong vùng thị trường gấu. Các nhà đầu tư thời gian qua liên tục bán tháo cổ phiếu khi dịch COVID-19 lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, làm gián đoạn hoạt động kinh tế tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, cả thế giới đã ghi nhận hơn 590.000 ca dương tính COVID-19 với 27.200 trường hợp tử vong.

Để hạn chế thiệt hại về kinh tế cũng như y tế của đại dịch này, lưỡng viện quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật giải cứu trị giá 2.000 tỉ USD. Sau đó Tổng thống Trump đã kí ban hành chính thức đạo luật vào chiều 27/3.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh đã khiến cho tình trạng thất nghiệp tăng vọt tại Mỹ. Trong tuần kết thúc ngày 21/3, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 3,28 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp, cao gấp gần 5 lần kỉ lục trước đây là 695.000 giữa cuộc Đại Suy thoái 2008-2009.

Sự biến động dữ dội của thị trường đã khiến cho nhiều nhà đầu tư hoảng sợ và rút tiền ra khỏi nhiều loại tài sản tài chính để nắm giữ tiền mặt. CNBC dẫn thống kê của Refinitiv Lipper cho biết trong hai tuần vừa qua, các quĩ đầu tư cổ phiếu bị rút ròng 13,7 tỉ USD, quĩ trái phiếu phải chịu thuế bị rút ròng 62 tỉ USD, quĩ trái phiếu chính quyền địa phương cũng bị rút 13,7 tỉ USD.

Ngược lại trong tuần qua, các quĩ thị trường tiền tệ lại nhận được vốn ròng gần 260 tỉ USD.

Song Ngọc