Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 30/3: Việt Nam có ca nhiễm thứ 194, dự báo hàng trăm nghìn người ở Mỹ có thể tử vong do dịch
Tính đến 7h sáng nay (30/3), toàn thế giới đã ghi nhận 721.277 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 33.942 người đã tử vong và 151.004 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 194
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay (30/3), Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 194, trong đó 25 người đã khỏi bệnh.
Ngoài ra, tính đến tối qua (29/3) có 3.215 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 75.085 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (38.372 người cách li tại nhà, nơi cư trú).
Các tỉnh có người mắc COVID-19 cho đến tối qua: Vĩnh Phúc (12); TP HCM (47); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (1); Hà Nội (61); Ninh Bình (2); Quảng Ninh (6); Lào Cai (2); Đà Nẵng (4); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (2), Kon Tun (1), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (2), Đồng Tháp (4), Trà Vinh (3), Lai Châu (3), Hải Phòng (1), Nghệ An (2), Hưng Yên (2), Lâm Đồng (1), Kiên Giang (1).
Ngày 29/3, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo Tổng cục Đường bộ dừng hoạt động xe khách hợp đồng trên 9 chỗ để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa Hà Nội, TP HCM với các địa phương.
Trên thế giới: Anh chuyển ban bố tình trạng khẩn cấp
Tính đến sáng nay, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện đang là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.439 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.300 ca tử vong. Hầu hết các trường hợp nhiễm mới đều là các ca nhập cảnh. Điều này đang làm tăng nguy cơ đón nhận đợt lây nhiễm thứ 2 tại quốc gia này.
Mỹ hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 141.781 ca nhiễm và 2.471 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 18.203 và 251 ca so với một ngày trước đó.
Trong đó, tiểu bang New York đã báo cáo tổng cộng gần 60.000 trường hợp nhiễm và 965 ca tử vong vào Chủ nhật, tăng 237 ca trong vòng 24h qua. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc y tế bang này đang rơi vào tình trạng quá tải.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ ước tính trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, đại dịch có thể gây ra khoảng 100.000 đến 200.000 ca tử vong ở quốc gia này, theo Reuters.
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Trump hôm 29/3 cho biết, Mỹ sẽ gia hạn hướng dẫn nhằm lại chậm lại sự lây lan của virus đến ngày 30/4, thay vì mục tiêu ban đầu là sau lễ phục sinh, rơi vào ngày 12/4. Ông cũng cho biết, đỉnh dịch ở Mỹ có thể xảy ra trong vòng 2 tuần nữa.
Trong khi đó, tại tâm dịch Châu Âu – nơi chiếm tới 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Tại Italy, ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 thế giới hôm qua đã ghi nhận thêm 5.217 ca nhiễm và 756 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 97.689 và 10.779. Italy hiện vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỉ euro (khoảng 5,24 tỉ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tây Ban Nha – quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới và có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 tại châu Âu ghi nhận tổng cộng 80.110 ca nhiễm và 6.804 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 6.875 và 821 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần, dự kiến bắt đầu từ ngày 30/3 – 9/4 tới.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 62.095 ca nhiễm, 533 ca tử vong, tăng lần lượt 4.400 và 100 ca so với một ngày trước đó. Tốc độ tăng số ca tử vong tại quốc gia này đã bắt đầu nhanh hơn so với những ngày trước đó.
Trong vòng 24h qua, Pháp đã ghi nhận thêm 292 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 2.599 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 2.606 và 40.174. So với hôm qua, tốc độ tăng số ca tử vong và ca nhiễm mới đều chậm lại đáng kể.
Cựu bộ trưởng nội các Pháp Patrick Devedjian (75 tuổi) ngày 29/3 được thông báo tử vong do nhiễm COVID-19. Ông cũng là chính trị gia cấp cao đầu tiên của nước này qua đời do dịch bệnh này.
Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 38.309 ca nhiễm và 2.640 ca tử vong, tăng lần lượt 2.901 và 123 ca so với một ngày trước đó.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 29/3 (giơ Việt Nam) đã thông báo Chính phủ nước này đã phân bổ ngân sách lên tới 23,9 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng tại quốc gia này.
Trong đó, khoảng 3 tỉ USD sẽ được rót cho lĩnh vực y tế và 1,2 tỉ USD được sử dụng để thiết lập quĩ trang trải chi phí thất nghiệp.
Đến sáng nay, Anh có thêm 2.433 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số lên 19.522, trong đó 1.228 người đã tử vong.
Chiều 29/3, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Jenrick tuyên bố toàn bộ nước Anh hiện đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ trong thời bình.
Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia tiếp tục là ổ dịch lớn nhất khu vực với 2.470 ca nhiễm và 35 ca tử vong. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.
Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.285 ca nhiễm và 114 ca tử vong; tăng lần lượt 130 và 12 ca trong vòng 24h qua.
Philippines tính đến sáng nay đã ghi nhận tổng cộng 1.418 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 71 người tử vong.