|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 31/3: Việt Nam có ca nhiễm thứ 204, Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới

07:58 | 31/03/2020
Chia sẻ
Dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới khiến gần 800.000 nhiễm và hơn 37.000 người tử vong. Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc và trở thành quốc gia có tình hình dịch nghiêm trọng thứ 3 trên thế giới.

Tính đến 7h sáng nay (31/3), toàn thế giới đã ghi nhận 784.381 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 37.780 người đã tử vong và 165.035 người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.

Đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.

Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 31/3: Việt Nam có ca nhiễm thứ 204, Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới - Ảnh 1.

Đã có gần 800.000 người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: AFP)

Việt Nam: Số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 204

Theo cập nhật từ Bộ Y tế, tính đến 6h sáng nay (31/3), Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới là một bé trai 10 tuổi tại TP HCM, nâng tổng số trường hợp dương tính với COVID-19 lên 204, trong đó 55 người đã khỏi bệnh.

Ngoài ra, tính đến tối qua (30/3) có 3.215 trường hợp đang được cách li để theo dõi dấu hiệu và 75.085 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách li theo dõi sức khỏe (38.372 người cách li tại nhà, nơi cư trú).

Các tỉnh có người mắc COVID-19 tính đến sáng nay: Vĩnh Phúc (12); TP HCM (48); Khánh Hòa (1); Thanh Hóa (2); Hà Nội (62); Ninh Bình (2); Quảng Ninh (6); Lào Cai (2); Đà Nẵng (4); Huế (2); Quảng Nam (3); Bình Thuận (9), Ninh Thuận (1), Bạc Liêu (2), Kon Tun (1), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (2), Đồng Tháp (4), Trà Vinh (3), Lai Châu (3), Hải Phòng (1), Nghệ An (2), Hưng Yên (2), Lâm Đồng (1), Kiên Giang (1). Ngoài ra, có 12 ca bệnh làm việc tại Công ty Trường Sinh hiện vẫn chưa rõ thông tin cụ thể.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều qua, 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc, yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng.

Thủ tướng nhất trí cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân nặng cấp cứu, không để bệnh nhân tử vong vì không được cấp cứu, đề nghị Bệnh viện phải tổ chức thực hiện chặt chẽ trên cơ sở bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và cho bệnh nhân.

Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh COVID-19.

Trên thế giới: Pháp ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỉ lục

Tính đến sáng nay, Trung Quốc đại lục - ổ dịch đầu tiên và hiện đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới ghi nhận tổng cộng 81.470 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 3.304 ca tử vong. Các trường hợp nhiễm mới hầu hết đều là các ca nhập cảnh. Điều này đang làm tăng nguy cơ đón nhận đợt lây nhiễm thứ 2 tại quốc gia này.

Theo hãng tin AFP, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 30/3 đã giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược (repo) 20 điểm cơ bản (từ 2,4% xuống còn 2,2%), khi giới chức tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm giảm bớt sức ép đối với nền kinh tế trong nước đang chịu thiệt hại do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bên cạnh đó, PBoC quyết định "bơm" 50 tỉ NDT (7 tỉ USD) vào thị trường để chống dịch COVID-19.

Mỹ vẫn đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với 163.281 ca nhiễm và 3.148 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng mạnh lần lượt 19.890 và 565 ca so với một ngày trước đó.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến nghiêm trọng, Hạ viện Mỹ đã bắt đầu thảo luận gói hỗ trợ tài chính thứ 4 nhằm giúp người dân và các doanh nghiệp vượt qua các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, tại tâm dịch Châu Âu – nơi chiếm tới 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tại Italy, ổ dịch COVID-19 lớn nhất Châu Âu và lớn thứ 2 thế giới hôm qua đã ghi nhận thêm 4.050 ca nhiễm và 812 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 101.739 và 11.591. Italy hiện vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm qua (30/3) cho biết, việc nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sẽ được thực hiện dần dần để đảm bảo đất nước này không bỏ qua những thành tựu đã đạt được trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Pierpaolo Sileri hôm qua cho biết tốc độ lây lan đang chậm lại và dịch COVID-19 tại nước này có thể đạt đỉnh trong 7 – 10 ngày tới.

Tây Ban Nha – quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới và có tình hình dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 2 tại châu Âu ghi nhận tổng cộng 87.956 ca nhiễm và 7.716 ca tử vong tính đến sáng nay, tăng lần lượt 7.846 và 913 ca so với một ngày trước đó.

Con số trên đã đưa Tây Ban Nha vượt Trung Quốc và trở thành ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Italy. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên số ca tử vong mới tại quốc gia này ghi nhận giảm kể từ ngày 26/3.

Trong số các ca nhiễm mới có ông Fernando Simon- người đứng đầu Trung tâm y tế khẩn cấp của Tây Ban Nha.

Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 68.885 ca nhiễm, 645 ca tử vong, tăng lần lượt 4.450 và 104 ca so với một ngày trước đó.

Trong vòng 24h qua, Pháp đã ghi nhận thêm 418 ca tử vong (số ca tử vong trong ngày cao kỉ lục) do virus SARS-CoV-2 và 4.276 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại nước này lên lần lượt 3.024 và 44.550.  

Iran vẫn là dịch lớn nhất Trung Đông và thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục, với 41.495 ca nhiễm và 2.757 ca tử vong, tăng lần lượt 3.186 và 117 ca so với một ngày trước đó.

Ngày 30/3, Bộ Quốc phòng Iran đã triển khai sản xuất hàng loạt bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với độ chính xác cao chỉ trong vòng 3 giờ.

Đến sáng nay, Anh có thêm 2.619 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số lên 22.141, trong đó 1.408 người đã tử vong.

Nga ghi nhận tổng cộng 1.836 ca nhiễm và 9 ca tử vong tính đến sáng nay.

Tại Đông Nam Á, tính đến sáng nay, Malaysia tiếp tục là ổ dịch lớn nhất khu vực với 2.626 ca nhiễm và 37 ca tử vong. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur.

Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất khu vực. Tính đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.414 ca nhiễm và 122 ca tử vong; tăng lần lượt 129 và 8 ca trong vòng 24h qua.

Trong ngày 30/3, Thái Lan ghi nhận thêm 136 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 2 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca  nhiễm bệnh và tử vong lên lần lượt là 1.524 và 9 ca.

Philippines tính đến sáng nay đã ghi nhận tổng cộng 1.546 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 78 người tử vong.

Hà Lê