|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

GS. Trần Văn Thọ: Máy trợ thở sẽ được sản xuất ngay tại Việt Nam trong tháng tới

07:20 | 31/03/2020
Chia sẻ
Trả lời báo giới trong nước, Giáo sư Trần Văn Thọ xác nhận thông tin trên sau khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành đề xuất và Giáo sư Trần Ngọc Phúc, người sáng lập công ty sản xuất máy trợ thở, đồng ý chuyển giao công nghệ về Việt Nam.

Theo đó, đề xuất này của Giáo sư Trần Văn Thọ là một trong những giải pháp chuẩn bị cần thiết mà ông đưa ra để ứng phó với nguy cơ quá tải hệ thống y tế trước kịch bản dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp.

Theo Giáo sư Thọ, trước mắt cần sản xuất 2.000 chiếc, sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới để bổ sung cho số thiếu hụt hiện tại và một số lượng dự phòng.

Trong thư trả lời báo chí, Giáo sư Trần Văn Thọ cho hay, kế hoạch này được hiện thực hóa sau khi ông được Giáo sư Trần Ngọc Phúc, người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp, đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.

Đây là loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp do Metran vừa phát minh. Công ty Metran sẽ cùng với phía VN triển khai sản xuất ngay trong tháng tới.

Vị giáo sư đang sinh sống và nghiên cứu tại Nhật Bản cho hay, đề án của hai vị giáo sư đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành sau cuộc điện thoại và đề nghị triển khai ngay.

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 chiều 30/3, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới thông tin này, trong bối cảnh lượng máy thở ở các bệnh viện tại Việt Nam khá hạn chế.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng cho biết Hà Nội chỉ có 260 máy thở, số máy này còn đang được sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện khác. Nguồn cung đang bị hạn chế, thành phố chỉ có thể mua thêm vài chục đến 100 cái. 

Liên quan đến công tác chống dịch COVID-19, để chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc thiết kế và dự toán để sẵn sàng xây dựng các bệnh viện dã chiến khi cần thiết cũng như chương trình sản xuất máy trợ thở trong nước.

Trước đó, TP Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Y tế cung cấp cho thành phố máy thở và 15.000 – 20.000 bộ test nhanh COVID-19 để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.

Trong cuộc họp sáng 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, và các đại biểu đã bàn bạc về việc chủ động bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Về sản xuất khẩu trang y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được 5 triệu khẩu trang y tế/ngày. Chúng ta cũng chủ động được nguồn nguyên liệu. Về khẩu trang chuyên dụng (N95), các doanh nghiệp có thể sản xuất được sản phẩm có chất lượng tương đương,…

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tiến hành sản xuất khẩu trang với công xuất tối đa. Doanh nghiệp nào có năng lực thì tiến hành mở rộng dây chuyền.

Về trang phục bảo hộ y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện chúng ta cũng đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trúc Minh