|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thêm một mùa mía 'đắng' ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai

15:45 | 16/01/2019
Chia sẻ
Thời tiết bất lợi đang khiến hàng ngàn héc ta mía ở khu vực phía Đông tỉnh trổ cờ trắng xóa, ảnh hưởng lớn đến sản lượng và chất lượng mía. Cộng với giá mía tiếp tục sụt giảm, nhiều nông dân nơi đây lại phải chịu thêm một mùa mía “đắng“.

Đã mất giá còn mất mùa

Theo thống kê, niên vụ 2018-2019, tổng diện tích mía ở các huyện, thị xã phía Đông tỉnh là hơn 27.000 ha, giảm so với niên vụ trước hơn 2.000 ha. Trong đó, huyện Kông Chro có 7.091 ha, huyện Kbang 10.114 ha, huyện Đak Pơ 7.160 ha và thị xã An Khê 2.921 ha. 2 tháng trở lại đây, khoảng 80% diện tích mía trên toàn vùng đã đồng loạt trổ cờ làm nhiều nông dân không khỏi lo lắng. Tình trạng này chủ yếu rơi vào diện tích mía đã chín thuộc các huyện Đak Pơ, Kông Chro, Kbang. Riêng tại thị xã An Khê, lượng mía trổ cờ khá ít vì hầu hết vẫn đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển, chưa đến kỳ thu hoạch.

Theo lý giải của cán bộ nông nghiệp, nguyên nhân khiến mía trổ cờ nhiều là do năm vừa qua nắng hạn kéo dài, mưa đến muộn, cộng với chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao. “Khi trổ cờ, cây mía sẽ hạn chế phát triển chiều cao. Giai đoạn mía trổ cờ, chữ đường cũng sẽ giảm. Phải đến lúc bông khô thì chữ đường mới ổn định trở lại”-ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-phân tích.

them mot mua mia dang o khu vuc phia dong tinh gia lai
Nông dân khu vực phía Đông tỉnh tiếp tục nếm trải một mùa mía “đắng”. Ảnh: H.T

Ông Trần Đình Hoàn (làng Dy Rao, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) vừa thu hoạch 10 ha mía với năng suất 55 tấn/ha. Với giá thu mua tại ruộng 700 ngàn đồng/tấn loại mía 9 chữ đường, sau khi trừ chi phí, ông Hoàn còn lại 60 triệu đồng. “So với năm trước, sản lượng mía giảm 50%, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. Có nhiều nguyên do, phần vì năm ngoái nhà máy thu mua muộn nên giai đoạn mía đâm chồi gặp nắng hạn khiến cây bị còi cọc, kém phát triển, phần nữa bởi gần thời điểm thu hoạch mía lại trổ cờ khoảng 90%, làm cho thân bị rỗng ruột, giảm sản lượng. Gia đình tôi đang muốn phá bỏ 5 ha mía vụ 4 để chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng chưa biết xuống giống cây gì”-ông Hoàn chia sẻ.

Ngoài giảm sản lượng, chất lượng, giá mía niên vụ ép 2018-2019 cũng giảm so với vụ trước. Cụ thể, bước vào niên vụ ép mới (từ ngày 5-12-2018), Nhà máy Đường An Khê tiến hành thu mua mía cây với giá 800 ngàn đồng/tấn 10 chữ đường, trong đó, giá mía mua tại ruộng 700 ngàn đồng/tấn và hỗ trợ chi phí vận chuyển 100 ngàn đồng/tấn. So với 2 niên vụ trước, giá mía vụ ép năm nay giảm lần lượt là 30% và 20%. Vấn đề này được lãnh đạo Nhà máy lý giải do ảnh hưởng bởi giá đường trên thị trường (năm 2017-2018, giá đường 12 ngàn đồng/kg, năm nay còn 10 ngàn đồng/kg).

Ông Đoàn Triệu Phú (thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) là một trong nhiều trường hợp phải liên tục gánh chịu những mùa mía “đắng”. Dù gần 1,5 ha mía vụ 2 của gia đình đã được bán hết cho Nhà máy Đường An Khê song ông Phú vẫn chẳng chút vui mừng. Bởi lẽ, sau vụ mía này, gia đình ông không có lãi, thậm chí còn phải xoay tiền để bù lỗ chi phí đầu tư.

Ông Phú than thở: “Diện tích mía của gia đình tôi được Nhà máy Đường An Khê đầu tư từ khâu cày, giống, phân bón đến chăm sóc. Năm ngoái, tôi thu hoạch được 120 tấn, nhưng vì giá mía hạ thấp nên sau khi Nhà máy trừ tất cả các loại chi phí đầu tư, gia đình tôi bị âm 12 triệu đồng cùng 20 bao phân bón và công chăm sóc. Đến vụ mía năm nay, giá lại tiếp tục giảm, năng suất cũng chẳng cao. Vì vậy, thu hoạch xong rồi mà gia đình tôi vẫn chưa trả hết nợ, hiện còn 8 triệu đồng”.

Trao đổi với P.V, ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) cho biết: “Niên vụ 2018-2019, toàn xã có 679 ha mía. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được 368 ha, đạt trên 54%. Diện tích mía trổ cờ chiếm trên 90%. Sản lượng mía bình quân đạt 60 tấn/ha, giảm 15 tấn/ha so với niên vụ trước. Giá mía nông dân bán tại ruộng chỉ 320-330 ngàn đồng/tấn (đã trừ tiền cước vận chuyển và công chặt khoảng 400 ngàn đồng/tấn), tức giảm 100 ngàn đồng/tấn so với niên vụ trước. Cộng thêm sản lượng thấp, năm nay, người dân trồng mía thiệt hại khoảng 4,8 triệu đồng/ha”.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang nhận định: “Giai đoạn chăm sóc mía rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít nên có bón phân cây cũng không hấp thu được. Vì vậy, cây mía phát triển chậm, năng suất thấp. Thêm vào đó, gần 40% diện tích mía trên địa bàn huyện Kbang trổ cờ làm giảm thêm trọng lượng. Với giá thu mua 800 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường và năng suất giảm như vậy, người trồng mía ước thiệt hại khoảng 20-25% thu nhập/ha so với niên vụ 2017-2018. Từ đầu vụ đến nay, nông dân trong huyện đã thu hoạch khoảng 800 ha, năng suất bình quân đạt 64 tấn/ha”.

Quan tâm hỗ trợ người trồng mía

Trước thực trạng trên, chính quyền các địa phương phía Đông tỉnh, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cùng Nhà máy Đường An Khê đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho người trồng mía trên địa bàn. “Ngày 5-1 vừa qua, UBND huyện Kbang đã làm việc với các xã và Nhà máy Đường An Khê về việc thu hoạch mía.

Qua đây, các HTX đã xây dựng kế hoạch về sản lượng, bố trí số lượng xe vận chuyển mía để đăng ký với Nhà máy. Trên cơ sở này, Nhà máy sẽ cấp phiếu đốn đều hơn và ưu tiên những thành viên HTX trước rồi đến các hộ dân, từ đó góp phần giảm cước vận chuyển cho người dân. Nhà máy cũng đồng ý bao 9 chữ đường đối với những diện tích mía đốn theo kế hoạch”-ông Mã Văn Tình thông tin thêm.

them mot mua mia dang o khu vuc phia dong tinh gia lai
Nhà máy Đường An Khê quyết định bao thấp nhất 9 chữ đường khi thu mua mía nhằm hỗ trợ phần nào cho nông dân địa phương. Ảnh: H.T
Từ đầu vụ đến nay, Nhà máy Đường An Khê đã thu mua hơn 400 ngàn tấn mía, tương ứng trên 6.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Kông Chro, các xã phía Tây của huyện Đak Pơ và một số xã của huyện Kbang. Năng suất bình quân đạt 65 tấn/ha (giảm 7 tấn/ha so với vụ trước) do ảnh hưởng bởi nắng hạn, diện tích mía trổ cờ nhiều và người dân ít đầu tư chăm sóc hơn khi thấy giá mía sụt giảm.

Hợp tác xã Dịch vụ, Nông nghiệp và Xây dựng Lơ Ku (xã Lơ Ku, huyện Kbang) là một đơn vị đi đầu trong việc chủ động hỗ trợ các thành viên trồng mía nói riêng và người dân trên địa bàn xã nói chung. Ông Lý Kim Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX-cho biết: “Bên cạnh trực tiếp làm việc với Nhà máy Đường An Khê để đảm bảo ổn định chữ đường và đẩy nhanh tiến độ thu mua mía, HTX còn vận động các thành viên có xe tải đảm nhận khâu vận chuyển với mức giá thấp hơn thị trường khoảng 20 ngàn đồng/tấn mía cây để giảm bớt chi phí, tăng nguồn thu nhập cho người trồng mía trong vùng”.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết, do những tháng gần thu hoạch thời tiết ít mưa nên Nhà máy đã quyết định vào vụ sớm hơn niên vụ trước gần 1 tháng và hoạt động ổn định với công suất 15 ngàn tấn mía cây/ngày. Đến giữa tháng 1-2019, khi mía chín đều, đơn vị sẽ tăng công suất lên 16-18 ngàn tấn mía cây/ngày.

Trong giai đoạn khó khăn hiện tại của ngành mía đường, để người dân tiếp tục đồng hành cùng Nhà máy, đơn vị đã tập trung thực hiện 4 chương trình lớn là cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa trong chi phí nhằm giảm chi phí tối đa cho người trồng mía.

Niên vụ 2018-2019, Nhà máy giảm chi phí 15-20% đơn giá cơ giới định mức, riêng cánh đồng lớn giảm 30% so với vụ trước; vùi phân và bón phân bằng máy nhằm giảm thất thoát, bay hơi; đưa vào sản xuất các giống mía mới như: U Thông 11, KK3, LK92-11 với giá 800 ngàn đồng/tấn (thấp hơn thị trường 200 ngàn đồng/tấn), đảm bảo số lượng cho người dân trồng mới; giảm thiểu mọi chi phí từ khâu cày bừa, trồng, chăm sóc, thu hoạch… đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. “Nhà máy cũng sẽ bao tất cả diện tích mía của người dân ở mức giá đạt 9 chữ đường trở lên nhằm hỗ trợ bà con”-ông Phước nói.

Ngoài những chính sách hỗ trợ trên, chính quyền các địa phương còn tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên phá bỏ những diện tích mía lưu gốc vụ 3 và vụ 4 kém hiệu quả để trồng mới bằng một số giống mía cho năng suất cao hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế khá hơn. “Hiện tổng diện tích mía trên toàn huyện đã vượt 2.000 ha so với quy hoạch. Vừa qua, trước sự mời gọi hợp tác của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, huyện cũng đang tính toán vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất phù hợp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”-ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ-cho hay.

Hồng Thi - Ngọc Minh